Thực tế cho thấy, trong bối cảnh, kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho các quốc gia. Tuy nhiên DN đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam vẫn ở vị trí thứ yếu trong “ăn chia” chiếc bánh doanh thu kinh tế số. Hơn thế nữa, DN Việt chủ yếu ở vị trí mới nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
Theo PGS.TS Thiên, trong 3 - 4 năm trở lại đây, tinh thần “tiến quân” của Việt Nam vào Cách mạng công nghiệp 4.0 lên rất cao. Tuy nhiên, câu hỏi nhấn mạnh ở đây là liệu Việt Nam có lại bỏ lỡ cơ hội vàng lần này? Chiến lược về Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng chương trình hành động về chuyển đổi số đang được nghiên cứu, soạn thảo và sẽ được lồng ghép vào chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Không chỉ vậy, một loạt các chương trình về xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch thông minh, xây dựng đô thị thông minh, lập nghiệp – khởi nghiệp sáng tạo được nhiều bộ ngành và tỉnh, thành trong cả nước triển khai. Tuy vậy, cách thức triển khai công cuộc “tiến công” vào Cách mạng công nghiệp 4.0 còn ít nhiều mang tính phong trào.
Công ty CP Tập đoàn EDX là đơn vị tiên phong phối hợp với các trường đại học đào tạo các học sinh về thương mại điện tử. Ảnh: Khắc Kiên |
Hiện có gần 700.000 DN tư nhân. Số DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng hơn gấp đôi, từ 1.800 DN năm 2016 lên khoảng 4.000 DN vào năm 2018. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Đánh giá tổng thể về khu vực DN tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”.
Mục tiêu có 1 triệu DN đăng ký theo luật hoạt động vào năm 2020 có thể đạt hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao DN Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân DN là rất lớn, song DN Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng, bằng sự quyết liệt cả trong nhận thức, trong xây dựng chiến lược và nhất là trong hành động,.
Trao đổi tại hội thảo, GS Hồ Tú Bảo cũng cho rằng, chuyển đối số là sống còn, do vậy, từ nhận thức mỗi DN phải xác định con đường, có lộ trình để chuyển đổi; xây dựng năng lực số bằng hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, văn hóa... Yếu tố thành công không phải ở công nghệ, mà phải bắt nguồn từ nhận thức và chiến lược của DN. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Đồng thời sẵn sàng về phương diện tổ chức, cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hải (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) cho rằng, để kinh tế số, kinh tế chia sẻ được tận dụng hiệu quả ở Việt Nam, quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.
Đặc biệt, theo ông Hải, các bộ, ngành tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các bộ, ngành với chính quyền các cấp, các DN, các hiệp hội ngành nghề. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho DN nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ DN thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo...