Kinhtedothi - Mặc dù Luật HTX 2012 đã có hiệu lực hơn 2 năm nay, song việc chuyển đổi theo Luật của nhiều HTX vẫn còn chậm chạp và thiếu đột phá. Nhiều HTX dù đã có “bình mới” song phương thức và chất lượng hoạt động dường như vẫn còn hơi hướng“rượu cũ”.
Thiếu làn gió mới
Luật HTX 2012 ra đời được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ làm thay đổi căn bản diện mạo của khu vực kinh tế tập thể, nhất là các HTX ở nông thôn. Sau khi có Luật, nhiều văn bản hướng dẫn triển khai cũng được ban hành nhằm tạo điều kiện cho chính sách đi vào cuộc sống. Với đặc thù sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn chiếm tỷ lệ lớn, các HTX có một vai trò rất quan trọng và cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế của Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới TP vừa qua cho thấy, việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, cả về tiến độ và chất lượng.
Xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ là xã có địa bàn nhỏ với số dân ít, khoảng hơn 500 hộ dân, trên 1.000 nhân khẩu. Việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 của HTX Nông nghiệp Phương Độ được thực hiện từ khá sớm. Sau khi chuyển đổi vào tháng 12/2013, HTX đã tích cực vận động xã viên và Nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tý - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, HTX có 866 xã viên nhưng hiện mới chỉ đảm nhận một số khâu dịch vụ cơ bản như tưới tiêu, bảo vệ đồng ruộng… nên lợi nhuận thu được không cao. Theo thống kê, toàn huyện Phúc Thọ mới có 15/33 HTX đã tiến thành chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Tương tự, tại HTX Văn Khúc, xã Đại Lan, huyện Thanh Trì, dù đã hoàn tất chuyển đổi theo Luật song cũng chỉ giới hạn ở khâu dịch vụ cơ bản, và lương của thành viên HĐQT chỉ đạt 800.000 đồng/người. Hay như HTX Nông nghiệp Hữu Văn, huyện Chương Mỹ đến nay cũng chưa tìm ra được dịch vụ nào ngoài phục vụ nông nghiệp, và lương của chủ tịch HĐQT cũng chỉ đạt 1,2 triệu đồng/tháng. Có thể nói, dịch vụ nghèo nàn, lương cán bộ thấp đang là thực trạng của rất nhiều HTX ở ngoại thành hiện nay, dù đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Cùng với chuyển đổi theo hình thức mới, chức danh của chủ nhiệm HTX cũng đã có tên gọi khác, song dường như lại trở thành “chiếc áo” quá rộng so với nhiều vị lãnh đạo HTX. Hầu như xã viên vẫn quen với tác phong làm việc của “ông chủ nhiệm” nhiều hơn là giám đốc hay chủ tịch HĐQT HTX. Đáng chú ý, Luật HTX 2012 ra đời nhằm tổ chức, sắp xếp lại các HTX theo hướng tinh giản mà hiệu quả, song nhiều HTX vẫn có tới hàng ngàn xã viên tham gia với mức đóng góp vốn ban đầu chỉ vài chục ngàn đồng. Điều này cho thấy, “làn gió mới” chưa thực sự phả vào khu vực kinh tế tập thể ở nông thôn.
Phải đổi mới tư duy của lãnh đạo
Để thay đổi được “chất” của các HTX, điều đầu tiên là cần thay đổi trong chính tư duy của đội ngũ lãnh đạo HTX. Nói như ông Phạm Quang Ngọc – Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, nếu tư duy của người lãnh đạo HTX không thực sự đổi mới, không có trình độ thì khó mà nâng cao được hiệu quả hoạt động. Bởi thực tế hiện nay, không ít địa phương còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi HTX. Ông Ngọc cho biết thêm, quan điểm của huyện Sóc Sơn là tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực cho các HTX hoạt động hiệu quả, còn đối với những HTX yếu kém thì kiên quyết tiến hành giải thể hoặc tổ chức lại.
Cách làm của huyện Sóc Sơn là định hướng đúng đắn nên được áp dụng rộng rãi ở các huyện, thị xã trong bối cảnh hiện nay. Ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, điều quan trọng là phải đa dạng hóa dịch vụ hoạt động, tập trung vào các khâu mang lại nhiều lợi nhuận cao và bền vững. Có như vậy, việc chuyển đổi HTX theo Luật mới thực sự đảm bảo “bình mới, rượu mới” và mang lại thu nhập cao cho xã viên.
Sản phẩm dưa lê sạch của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
|