Hai năm trở lại đây là khoảng thời gian bùng nổ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), với sự ra đời của hàng loạt ứng dụng tích hợp công nghệ AI để đối thoại với con người, thiết kế đồ họa, thậm chí tự dựng phim, sáng tác nhạc hoặc thay đổi giọng nói của người khác.
Con sốt AI khiến dư luận thế giới đã đưa ra những suy đoán, cả tích cực lẫn tiêu cực, và khả năng của AI trong việc thay thế con người trong một số lĩnh vực lao động, tạo ra những thay đổi sâu sắc đối với thế giới trong tương lai gần. Song theo chuyên gia kinh tế Daron Acemoglu từ Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), sẽ là một sai lầm lớn nếu cường điệu hóa AI và đánh giá thấp khả năng của con người.
Phí đào tạo đắt đỏ
"Không. Không. Chắc chắn là không rồi," ông Acemoglu khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Đải phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR), khi được hỏi nói về khả năng cách mạng hóa kinh tế toàn cầu của AI trong 10 năm tới.
“Ý tôi là, nếu không tính đến rất nhiều công ty đầu tư quá mức vào AI và sau đó phải hối tiếc, thì bạn sẽ nghĩ đó là một sự thay đổi mang tính cách mạng”, vị chuyên gia lưu ý.
Phát biểu của ông Acemoglu không phải không có cơ sở, Trên thực tế, nhiều giám đốc điều hành như CEO Dario Amodei của công ty khởi nghiệp (startup) Anthropic thừa nhận hầu hết startup công nghệ sẽ không đủ khả năng gia nhập cuộc đua AI.
“Đào tạo một mô hình AI tốn khoảng 100 triệu USD, nhưng cũng những mô hình hiện tại có chi phí đào tạo lên tới hàng tỷ USD", ông Amodei tiết lộ trên chương trình phát thanh “In Good Company” hồi tháng 7. “Nếu chúng ta đạt tới mức 10 hoặc 100 tỷ USD, thứ tôi nghĩ sẽ xảy ra vào năm 2025, 2026 hoặc có thể là 2027... thì ở thời điểm đó, chúng ta mới có được những mô hình tốt hơn hầu hết mọi người và mọi vật”.
Chi phí trên đặt ra một tiêu chuẩn cao ngất ngưởng đối với các startup muốn tạo ra mô hình AI của riêng mình để cạnh tranh với OpenAI hoặc Anthropic. Trung bình, các startup ở Mỹ chỉ huy động được khoảng 59 triệu USD trong giai đoạn thứ 4 của vòng gọi vốn Series C trong quý 1/2023.
Kiến thức "vay mượn"
Daron Acemoglu, người từng đoạt Giải thưởng Kinh tế Toàn cầu năm 2019, cũng tin rằng AI khó có thể thực hiện nhiều tác vụ ngoài môi trường văn phòng. Thậm ngay trong công sở, AI vẫn mắc nhiều sai sót và chủ yếu phụ thuộc vào dữ liệu được đào tạo hay góp nhặt trên Internet. Nói một cách đơn giản, AI vẫn phụ thuộc vào việc bắt chước con người và chưa có khả năng tạo ra những ý tưởng mới.
Thế nhưng, điều tồi tệ nhất là phần lớn nội dung mà AI sao chép trên mạng có thể có bản quyền. Cho đến nay, ít nhất 15 vụ kiện các công ty AI về vấn đề vi phạm bản quyền đã diễn ra. Đơn cử như trong vụ kiện OpenAI, báo New York Times đã đưa ra các bằng chứng cho thấy một số trường hợp ChatGPT trích nguyên văn các đoạn tin của báo này mà không ghi nguồn.
Các công ty AI giờ đây phải bắt đầu trả tiền cho báo chí trước khi trích dẫn nội dung của họ. Đồng thời, nhiều công ty khác đã và đang có những hành động ngăn chặn AI thu thập dữ liệu. Điều này có thể đặt ra một vấn đề lớn đối với các mô hình AI, vốn dựa vào dữ liệu do con người tạo ra để hóa trang thành những “cỗ máy biết suy nghĩ”.
Thuận tiện hay bất tiện?
Trong một bài viết hồi tháng 4 dự đoán tác động lâu dài của AI đối với kinh tế toàn cầu, chuyên gia Acemoglu nhận định chưa đến 5% việc làm của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi AI trong thập kỷ tới.
Thực tế, với đa số người lao động, các ứng dụng AI ở thời điểm hiện tại chỉ tạo thêm gánh nặng thay vì giúp công việc của họ trôi chảy hơn. Dữ liệu từ một khảo sát gần đây của Upwork cho thấy 96% lãnh đạo các công ty kỳ vọng AI sẽ tăng năng suất cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, có tới 77% người lao động cho biết AI chỉ tăng khối lượng công việc của họ. Ngoài ra, gần một nửa số người sử dụng AI thừa nhận không biết cách đạt mức tăng năng suất như mong đợi.
Ngoài ra, không phải ai cũng mặn mà với việc thường xuyên sử dụng các công cụ như ChatGPT, bất chấp cơn sốt mà chúng tạo ra nửa cuối năm 2022. Theo khảo sát của YouGov được thực hiện tại 6 quốc gia từ tháng 3 đến 4/2024, cứ 10 người thì chỉ có 1 người sử dụng ChatGPT hàng ngày. Ngay cả những đối tượng khảo sát nhóm tuổi trẻ nhất (18-24) cũng không sử dụng ChatGPT quá thường xuyên.
Sau cùng, chuyên gia Acemoglu cho rằng có nhiều thứ AI làm được, thì con người vẫn có thể làm tốt hơn: “Rất nhiều người không nhận ra con người có các kỹ năng linh hoạt, tài năng và đa diện như thế nào. Và với tâm lý trên, bạn sẽ có xu hướng đánh giá cao AI hơn con người”.