Chuyên gia: Mỹ nên coi Covid-19 là "một phần của cuộc sống" dù làn sóng Delta sắp đạt đỉnh

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở thời điểm khi đợt bùng phát mới tại Mỹ do biến thể Delta gây ra có thể sớm đạt đỉnh, các chuyên gia khuyến nghị nên coi virus là “một phần của cuộc sống” như phương án cho tương lai.

Số ca mắc trung bình/ngày trong tuần qua tại Mỹ tính đến ngày 13/9 ước tính vào khoảng 172.000 ca, mức cao nhất ngay cả khi tốc độ tăng ca nhiễm đang chững lại và giảm ở hầu hết các bang.
Lời nhắc nhở nghiệt ngã
Bên cạnh đó, có hơn 1.800 ca tử vong mỗi ngày và hơn 100.000 người vẫn phải nhập viện do chuyển biến nặng- một lời nhắc nhở nghiệt ngã về những thách thức mà chính quyền Mỹ phải đối mặt trong nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng cho người dân trước vấn nạn tin giả và môi trường chính trị phân cực.
 Thay vì tiêu diệt tận gốc, hiện mục tiêu đã chuyển sang biến Covid-19 giống như bệnh cúm cho người đã tiêm chủng. Ảnh: Reuters.

Bhakti Hansoti, phó giáo sư y học cấp cứu tại Đại học John Hopkins chia sẻ với AFP rằng bà thấy Mỹ đang đi theo quỹ đạo tương tự như Ấn Độ khi chứng kiến ​​số ca nhiễm bắt đầu giảm trong đợt bùng phát Delta vừa qua.
Nhưng trong khi thở phào nhẹ nhõm khi đợt bùng phát có khả năng kết thúc, bà Hansoti cho biết: "Tôi hơi do dự vào thời điểm này”.  Khả năng xuất hiện các biến thể mới đáng lo ngại hơn cũng như thời tiết trở lạnh dễ dẫn đến một đợt bùng phát mới, "trừ khi chúng ta học được gì đó từ làn sóng thứ 4." Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Saskatchewan ở Canada, cho biết, đồng thời nhận định rằng chưa chắc đợt bùng phát thứ 4 đã kết thúc.
Để đảm bảo kiềm chế được đợt bùng phát, việc tăng tốc tiêm chủng vẫn vô cùng quan trọng. Hiện tại 63,1% người dân Mỹ trên 12 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 54% tổng dân số. Con số này của Mỹ vẫn theo sau các quốc gia như Bồ Đào Nha và UAE (81% và 79% tiêm chủng đầy đủ).
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuần trước đã công bố một số biện pháp mới nhằm tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, bao gồm các yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine đối với các DN có trên 100 nhân viên, nhưng có lẽ vẫn còn phải chờ xem hiệu quả của những biện pháp mới đến đâu.
"Hai nước Mỹ"
Ngoài tiêm chủng, các chuyên gia cũng kỳ vọng vào các biện pháp khác.
Thomas Tsai, bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Harvard, cho biết ngoài việc theo dõi các điểm nóng, Mỹ cũng nên xem xét việc xét nghiệm nhanh rộng rãi cho các trường học và DN.
 Quảng trường Thời Đại ngày 4/9/2021. Ảnh: Bloomberg
Các xét nghiệm này được thực hiện miễn phí hoặc với chi phí rất nhỏ ở Đức, Anh và Canada trong khi tại Mỹ vẫn có giá khoảng 25 USD/bộ xét nghiệm, bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm giảm chi phí thông qua thỏa thuận với các nhà bán lẻ.
Tất nhiên, tác động của tất cả các biện pháp phụ thuộc vào việc chúng có được người dân tiếp nhận hay không. Về mặt này, nước Mỹ đã chia làm hai bức tranh: Khu vực theo phe Dân chủ tuân thủ nhiều hơn so với khu vực theo phe bảo thủ.
Trước làn sóng Delta, một số chuyên gia đã tuyên bố rằng, với số người được tiêm chủng và những người đã có miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên, Mỹ đang tiến gần đến điểm miễn dịch cộng đồng. Chuyên gia Rasmussen cho biết những dự đoán đó đã được chứng minh là không chính xác và vẫn còn quá sớm để nói khi nào thì ngưỡng này sẽ đạt được.
Bà lưu ý: “Vẫn có những khu vực ở nước Mỹ nơi tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn ở dưới 50%".
Căn bệnh đặc hữu
Mặc dù Delta vẫn nổi trội về mức độ nguy hiểm và lây lan so với các biến thể trước đó, SARS-CoV-2 tiếp tục phát triển nhanh chóng và các nhà virus học lo ngại rằng các biến thể nguy hiểm hơn có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hy vọng rằng vaccine sẽ tiếp tục là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với hầu hết người dân, và kỳ vọng được tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi trong những tháng tới.
Họ cũng cho rằng một nhóm dân số nhất định như người già và những người có hệ miễn dịch suy giảm có thể cần mũi tiêm tăng cường, cũng như tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao sẽ bảo vệ họ.
Thay vì tiêu diệt tận gốc, hiện mục tiêu đã chuyển sang việc nên coi Covid-19 giống như bệnh cúm cho người đã tiêm chủng, trong trường hợp họ gặp hiện tượng lây nhiễm “đột phá”, tức là họ vẫn dương tính với Covid-19 sau khi phòng ngừa.Tuy nhiên, những điều chưa chắc chắn vẫn còn: Ví dụ như những người mắc Covid-19 “đột phá” có thể gặp “di chứng kéo dài hậu Covid-19” (Long Covid-19).Greg Poland, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic, dự đoán nhân loại sẽ đối phó với Covid "trong vòng đời của nhiều thế hệ tiếp theo."