Chuyên gia nhận định về thượng đỉnh liên Triều: Đừng quá lạc quan!

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an nhận định, phải thấy cuộc gặp có giới hạn nhất định, đừng lạc quan quá.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an, từ đầu năm, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịu đi. Tại Thế vận hội Olympic mùa đông ở Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã chủ động cử một đoàn vận động viên sang, thậm chí cử em gái, Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc. Sau đó, một đoàn do đặc phái viên phụ trách an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng được ông Kim Jong-un đón tiếp vui vẻ tại Bình Nhưỡng, tạo ra bầu không khí khiến cả thế giới thấy nhẹ nhõm.
 Hai nhà lãnh đạo bước đi trên thảm đỏ hôm 27/4.
Hiện chưa biết động cơ của ông Kim là gì nhưng ít ra động thái này cộng đồng quốc tế cũng ủng hộ vì tình hình bán đảo Triều Tiên hòa dịu có lợi cho mọi quốc gia trong khu vực.
Denny Roy - chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Đông - Tây, có trụ sở tại Hawaii, Mỹ cho biết, việc Mỹ và Hàn Quốc giảm thời lượng các bài tập quân sự hàng năm cho thấy thiện chí cho một giải pháp ngoại giao.
Bình Nhưỡng cũng đã cố gắng dọn đường cho các cuộc đàm phán kể từ đầu năm, quan trọng nhất là việc kiềm chế các vụ thử hạt nhân và tên lửa, cho thấy cả hai bên đều muốn và đã sẵn sàng đối thoại.
Đây là một sự tương phản theo hướng tích cực so với tình hình bán đảo Triều Tiên vào năm ngoái. Chưa đầy một năm trước, Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là lần thử mạnh nhất từ ​​trước tới nay; phóng tên lửa đạn đạo có khả năng vươn đến lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn giữ thái độ thận trọng về kết quả của cuộc họp thượng đỉnh lần này. Trước đó, vào năm 2000 và 2007, các Tổng thống Hàn Quốc là ông Kim Dae-jung và ông Roh Moo-huyn cũng đã có cuộc gặp tại Bình Nhưỡng với ông Kim Jong Il nhưng các bước tiến đáng kể để kết thúc cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên đã không thành hiện thực.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, các động thái này mang tính tích cực nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước. Vấn đề quan trọng nhất là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn chưa được bàn đến. “Phải thấy có giới hạn nhất định, đừng lạc quan quá”, Thiếu tướng Cương nói.
Việc thiếu lòng tin đã tạo ra một hố sâu. Một số người Hàn Quốc và người Mỹ vẫn tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tích lũy kho vũ khí hạt nhân như một phần của kế hoạch dài hạn nhằm kiểm soát bán đảo. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lo ngại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là một ý định xâm lược Triều Tiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần