Khả năng miễn dịch của vaccine suy yếu với Omicron sau 3 tháng
NHK đưa tin kết quả thử nghiệm tại phòng thí nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy khả năng miễn dịch từ vaccine sau 3 tháng kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn biến thể Omicron so với chủng Delta.
Một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kitasato do Giáo sư Katayama Kazuhiko dẫn đầu đã tiến hành nghiên cứu nồng độ kháng thể trung hòa từ mẫu máu của 12 người được đã tiêm chủng đầy đủ, trong đó 6 người tiêm hai mũi vaccine Pfizer và những người còn lại đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Moderna.
Theo kết quả nghiên cứu, khả năng miễn dịch đối với biến thể Omicron của những người tiêm mũi vacine Pfizer thứ hai sau 3 tháng giảm khoảng 72%, còn những người được tiêm liều vaccine Moderna thứ hai cũng giảm 82% sau 3 tháng.
Tuy nhiên, giáo sư Katayama nói rằng kết quả nghiên cứu trên không có nghĩa là vaccine không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron. Ông Katayama kêu gọi những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy các loại vaccine hiện tại kém hiệu quả hơn đối với biến thể Omicron. Tuy nhiên, náo cáo mới từ Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), cho biết: "Cần vài tuần để ước tính hiệu quả chống triệu chứng nặng của Omicron. Song dựa trên kinh nghiệm với các biến chủng trước đó, vaccine vẫn bảo vệ đáng kể".
Liều vaccine tăng cường sẽ giúp đẩy lùi Omicron
Kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11 năm nay, nhiều nghiên cứu cho thấy biến thể mới này có khả năng né tránh kháng thể được tạo ra sau khi tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng liều vaccine tăng cường có tác dụng ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong.
Nghiên cứu của Israel và Mỹ cho thấy khả năng miễn dịch từ vaccine sẽ suy yếu sau 6 đến 8 tháng.Trong bối cảnh biến chủng Omicron lan rộng, các chuyên gia cho rằng cách bảo vệ tốt nhất là tiêm đủ liều vaccine và tiêm nhắc lại bằng liều tăng cường vài tháng sau đó.
Liều vaccine tăng cường giúp khôi phục kháng thể sau tiêm về mức đỉnh, ngăn ngừa hiệu quả biến thể Omicron. "Kháng thể đạt mức cao nhất trong 10-14 ngày sau tiêm, sau đó hiệu quả sẽ giảm dần. Tuy nhiên, liều vaccine bổ sung sẽ giúp kháng thể ổn định trở lại", tiến sĩ Simone Wildes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống y tế Shore Health ở Massachusetts, Mỹ, giải thích.
Theo thông báo của Pfizer, liều tăng cường vaccine của hãng dược phẩm Mỹ giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, đủ để vô hiệu hóa biến thể Omicron. Tiêm liều vaccine thứ ba giúp nâng mức bảo vệ chống biến chủng lên 95%, tương đương hai liều đầu tiên trước chủng virus ban đầu. Ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết: "Dù hai liều vaccine vẫn hiệu quả chống triệu chứng nghiêm trọng do biến thể Omicron, dữ liệu sơ bộ cho thấy liều thứ ba của Pfizer giúp cải thiện mức kháng thể".
Pfizer cho biết liều tăng cường vaccine của hãng dược phẩm Mỹ giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, đủ để vô hiệu hóa biến thể Omicron. |
Trong khi đó, mũi vaccine bổ sung của Moderna cũng cải thiện khả năng trung hòa biến thể Omicron so với hai mũi trước đó. Nghiên cứu của hãng cho thấy kháng thể trong máu các tình nguyện viên được tiêm liều tăng cường có thể ngăn ngừa cả Omicron và Delta. Mũi vaccine tăng cường có công thức giống với hai mũi đầu tiên. Song vaccine Moderna mũi nhắc lại chỉ được tiêm nửa liều.
Trong khi đó, hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 23/12 cho biết liệu trình ba liều vaccine của hãng hiệu quả chống lại biến thể Omicron. Nghiên cứu đã bình duyệt, dựa trên kết quả từ thử nghiệm do Đại học Oxford thực hiện. Liều thứ ba vaccine AstraZeneca có tên gọi Vaxzevria. Theo kết quả thử nghiệm, nồng độ kháng thể sau khi tiêm nhắc lại ở tình nguyện viên cao hơn kháng thể từ nhiễm bệnh tự nhiên, đủ để ngăn ngừa biến chủng Omicron. Liệu trình ba liều chống biến chủng Omicron hiệu quả ngang với liệu trình hai liều chống Delta.
Các nước trên thế giới chủ yếu tiêm liều tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện, 36 nước trên thế giới đã tiêm mũi ba vaccine Covid-19 sau liệu trình tiêm cơ bản, theo dữ liệu công bố của Our World in Data. Đức, Áo, Canada và Pháp là các quốc gia đầu tiên triển khai tiêm mũi vaccine bổ sung.
Theo WHO, các liều nhắc lại được tiêm cho người dân đã hoàn thành quy trình tiêm chủng cơ bản (một liều hoặc hai liều dựa trên loại vaccine đã tiêm), khi tỷ lệ miễn dịch và khả năng bảo vệ lâm sàng ở họ đã giảm xuống dưới mức yêu cầu theo thời gian. Mục đích của việc tiêm nhắc lại về cơ bản là khôi phục hiệu quả của vaccine trong cơ thể ở mức cần thiết.
Mỹ cũng khuyến nghị người dân tiêm liều tăng cường khi biến chủng Omicron lan rộng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị người dân tiêm liều tăng cường vaccine Pfizer hoặc Moderna 6 tháng sau liều thứ hai, vaccine Johnson & Johnson, 2 tháng sau liều đầu tiên.
Tại cuộc họp khẩn cấp đối phó Covid-19 hôm 27/12, chính phủ Pháp đã tăng cường các biện pháp phòng dịch, trong đó đáng chú ý là rút ngắn thời hạn tiêm mũi vaccine tăng cường xuống còn 3 tháng.
Trong khi đó, Israel vừa trở thành quốc gia đầu tiên tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư cho người dân giữa lúc làn sóng Omicron đang bùng phát. Trung tâm Y tế Sheba gần Tel Aviv, Israel ngày 27/12 đã triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư cho các nhân viên y tế. Cơ sở này gọi đây là nghiên cứu lớn đầu tiên về khả năng đối phó biến chủng Omicron trên những người được tiêm 2 liều vaccine tăng cường. Người phát ngôn của Trung tâm Y tế Sheba cho biết kết quả của cuộc thử nghiệm sẽ được trình lên Bộ Y tế Israel trong khoảng 2 tuần./.