Tham dự diễn đàn có các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học; đại diện các Viện đào tạo, nghiên cứu, quản lý kinh tế; lãnh đạo một số cơ quan Ngân hàng, các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp, một số cơ sở giáo dục đào tạo, lãnh đạo các sở, ngành liên quan của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh vui mừng chào đón các đại biểu về tham dự diễn đàn cấp cao về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 “chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển”.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau một giai đoạn khó khăn vào năm 2023. Theo Ngân hàng Thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,5% trong năm 2024 và có thể tăng lên 6,0% vào năm 2025.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với một số rủi ro tín dụng trong khu vực tài chính, lĩnh vực đầu tư bất động sản, khó khăn trong phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là những khó khăn, thách thức lớn cần được giải quyết, tháo gỡ để duy trì đà tăng trưởng.
Diễn đàn cấp cao về Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 "Chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển" là diễn đàn quan trọng, xác định rõ những cơ hội, thách thức mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả, phân tích được các vấn đề kinh tế nổi bật, gợi mở thêm các chính sách điều hành cho các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung- Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh báo cáo tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 “chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển”. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế thế giới lạm phát tổng thể đã giảm, các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được thắt chặt, giá năng lượng thấp, áp lực chuỗi cung ứng giảm.
Dự báo 6 tháng cuối năm nay, tăng trưởng ổn định và lạm phát ở mức thấp, lãi suất được duy trì ở mức thấp, tuy nhiên trạng thái “New normal” của giai đoạn 2021 có thể quay trở lại “lãi suất duy trì ở mức thấp, nhưng tín dụng không tăng”. Hoạt động kinh tế được số hóa, thâm dụng trí tuệ nhân tạo dẫn đến giảm chi phí, giảm nhu cầu tài trợ vốn. Năm 2024 tăng trưởng kinh tế sẽ duy trì 3,1%, lạm phát 5,9%, năm 2025 dự báo khả quan hơn với mức tăng trưởng 3,2%, lạm phát 3,6%.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng kinh tế ước đạt 6.42%, tình hình lạm phát cơ bản được kiềm chế hiệu quả. Trong đó, một số chỉ tiêu nổi bật như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cùng kỳ cao nhất trong giai đoạn 2021-2024.
Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ.. tiếp tục duy trì phát triển. Đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2018-2024, mức tăng này chỉ cao hơn mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2020 và 4,7% của cùng kỳ năm 2023.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, trạng thái “New normal” có thể quay trở lại trong giai đoạn cuối năm 2024. Do đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thâm dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua tự động hóa quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu và dự đoán thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quản lý rủi ro.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa phản chu kỳ, miễn giảm thuế để kích thích tiêu dùng và đầu tư. Tại các địa phương có lợi thế về biển, nên thành lập các khu thương mại tự do để thúc đẩy phát triển logistics và du lịch, nhằm thu hút khách du lịch và các hoạt động cung ứng, vận tải, thành lập khu thương mại tự do. Tiếp tục tạo dựng cơ sở thu hút FDI, vốn kiều hối, nhận định các nhân tố tích cực cho tăng trưởng.
Tiếp đó tại diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực- Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đã phân tích những vấn đề đặt ra về chính sách tiền tệ và sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó, giải pháp trọng tâm được đưa ra là chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách là hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất (nhất là lãi suất cho vay), lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ. Tiếp tục quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa các ngân hàng-chứng khoán- bảo hiểm- bất động sản). Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các thể chế theo quy định hiện hành.
Tại diễn đàn cấp cao về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 "Chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển", các đại biểu đã được nghe những phân tích sâu về quản trị doanh nghiệp-Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh VUCA; TP Hồ Chí Minh- Đầu tàu kinh tế cả nước trong phát triển Việt Nam trước bối cảnh VUCA; tình hình kinh tế Nghệ An 6 tháng đầu năm 2024- nắm bắt thời cơ và phát triển.
Sau phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, gợi mở các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ; quy luật kinh tế thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Một số đại biểu cũng đã tập trung phân tích tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ; đổi mới, sáng tạo trong đào tạo, trang bị kỹ năng số, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại của đất nước Việt Nam.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt, diễn đàn cấp cao về kinh tế vĩ mô Việt Nam 2024 "Chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển" đã thành công tốt đẹp. Diễn đàn là dịp để các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và các bên liên quan phân tích, chia sẻ về những kết quả, thành tựu nổi bật và cả những khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam; dự tính, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm; đưa ra những kiến nghị, giải pháp hiệu quả để chuyển hóa khó khăn thành động lực phát triển.