Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện lạ ở bóng đá trẻ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng bóng đá Việt Nam đang xôn xao với đề xuất của VPF là đưa đoàn cán bộ gồm khoảng 30 người đi nước ngoài học tập kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp.

Học để phát triển là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh V.League đang rối ren, nhiều đội bóng và bản thân VFF đang khó khăn về tài chính lại là điều đáng để bàn.

Trong phiếu ý kiến gửi các đội bóng, để giải thích cho ý tưởng đưa các quan chức đi học tập kinh nghiệm làm bóng đá ở Đức, VPF, đơn vị đang điều hành giải V.League và hạng Nhất có tiết lộ thông tin, chi cho những người được chọn đi nước ngoài lấy từ khoản kinh phí dự kiến sẽ hỗ trợ các đội bóng khi kết thúc mùa giải. Theo thông lệ, hàng năm, VPF sẽ trích một phần tiền tài trợ dành cho các đội bóng tham dự giải. Khoản kinh phí này được trích từ khoản tiền thu từ tài trợ sau khi các đội bóng chấp nhận hi sinh khoản tiền bản quyền truyền hình để VPF khai thác bán cho nhà tài trợ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Với số lượng 30 người đi Đức trong khoảng 7 - 10 ngày, VPF sẽ phải chi từ 3 - 4 tỷ đồng. Đương nhiên, số tiền này sẽ được trừ vào khoản tiền lẽ ra các đội bóng sẽ được nhận. Nhưng nếu phải chi tiền mà giải đấu có lợi, các đội bóng có lợi từ việc quan chức của họ học hỏi được kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp thì sẽ chẳng nói làm gì. Nhưng đằng này, dư luận cho rằng, thực chất chuyến đi thì học thì ít, du lịch thì nhiều. Bằng chứng là trong hai năm liên tiếp là 2014, 2015 VPF đều cử phái đoàn hàng chục người sang Nhật Bản, Hàn Quốc những nước có nền bóng đá phát triển nhất châu Á học tập nhưng đến nay, chẳng ai có thể thống kê được bóng đá Việt Nam đã thu hoạch được điều gì? Giải đấu vẫn èo uột, khán giả vắng bóng và đầy rẫy bạo lực. Trong khi đó, các đội bóng vẫn không làm sao để cải thiện hình ảnh của mình, tăng nguồn thu để có thể sống nhờ hoạt động thi đấu.

Đi học thì phải thi cử, đánh giá xem hiệu quả đến đâu thì mới nghĩ đến việc bước sang học phần mới. Nhưng đây thì khác, VPF dự định cử các quan chức đi học mà chẳng thể đánh giá, những chuyến đi này đã mang lại điều gì cho bóng đá Việt Nam ngoài việc tiêu tốn rất nhiều tiền bạc vốn dĩ nó sẽ được chia cho các đội bóng để phát triển sự nghiệp chung.

Đến giờ, người ta đang đặt câu hỏi, tại sao VPF sốt sắng tổ chức đoàn sang tận châu Âu học kinh nghiệm làm bóng đá? Còn nhớ những lần trước, trong đoàn của VPF có cả cò mồi bóng đá. Kinh ngạc hơn, có không ít quan chức các đội bóng sau chuyến đi thực tế đã về hưu hoặc mất dạng khỏi làng bóng đá và đương nhiên, họ chẳng thể giúp ích gì cho sự nghiệp chung.

Trong khi VPF đang hào phóng với số tiền lẽ ra sẽ được chi cho các đội bóng thì bóng đá trẻ Việt Nam đang rất cần những khoản tài chính để tổ chức cuộc chơi. Như đã từng nói, giải U11, U15 đến nay vẫn chưa có nhà tài trợ khiến công tác tổ chức giải gặp nhiều khó khăn. Nhiều đội bóng đang nợ lương cầu thủ. Nhiều trung tâm đào tạo trẻ không đủ kinh phí cho quân đi dự giải chứ nói gì đến việc gửi các cầu thủ ra nước ngoài tập huấn. Nhiều người tự nhủ, nếu khoản kinh phí được dành cho “các quan đi” thực tế ở nước ngoài được chi cho công tác tổ chức các giải đấu trẻ thì bóng đá Việt Nam có lẽ sẽ thu được nhiều điều bổ ích.