Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất 2%, hướng đi đúng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% ‘ế”, số tiền còn lại chưa được giải ngân nên chuyển sang sang mục đích chi khác để gói hỗ trợ này được hấp thụ tốt hơn được các chuyên gia, doanh nghiệp hưởng ứng.

Gần 75% doanh nghiệp khó tiếp cận vay

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngành ngân hàng đã tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm được tiếp cận chính sách hiện giải ngân rất thấp. Đến cuối tháng 10, gói này mới giải ngân 873 tỷ đồng (chỉ đạt hơn 2,3% so với mục tiêu 40.000 tỷ đồng).

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, kinh tế vừa qua khó khăn nên doanh nghiệp đủ điều kiện thì không muốn vay, đơn vị muốn vay lại không đáp ứng tiêu chí. Điểm nghẽn khác chính là quy định "dự án có khả năng phục hồi" mới được vay vốn, khiến cả bên cho vay và người đi vay đều ngại, không biết nên hiểu thế nào cho đúng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn. Do đó, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá "trục lợi chính sách".

Phó Giám đốc Công ty CP Trung Đô Đoàn Quang Lê cho biết, việc triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất có nhiều mâu thuẫn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% hướng tới đối tượng doanh nghiệp khó khăn, báo cáo tài chính phải đi xuống,... Nhưng thực tế nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn thì ngân hàng lại không mặn mà cho vay bởi nguy cơ nợ xấu.

“Đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính. Thời gian hỗ trợ ngắn không giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp, dàn trải nguồn lực tài chính hỗ trợ. Còn với khách hàng là hộ kinh doanh lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất... Nhìn chung, chính sách chưa phát huy được hiệu quả do thiếu tính đồng bộ, chưa sát thực tế” – một doanh nghiệp tại Hà Nội cho hay.

Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho hay, theo kết quả khảo sát 12.000 doanh nghiệp tham gia PCI 2022, hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, trở ngại khi tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Cụ thể, 74,8% doanh nghiệp cho biết, điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất; 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục; 5,6% doanh nghiệp cho rằng, thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay.

Giảm thuế, phí hỗ trợ trực tiếp

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện tiếp gói hỗ trợ lãi suất này tới hết năm 2023, nếu không giải ngân được hết thì sẽ hủy dự toán, việc này không ảnh hưởng tới bội chi do đây là khoản chưa huy động. Thay vào đó, Chính phủ sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách tài khóa khác để hỗ trợ doanh nghiệp, như kéo dài thời gian giảm thuế VAT, miễn, giãn hoãn các loại phí, lệ phí...

Trước thông tin này, cả giới chuyên gia và doanh nghiệp đều đánh giá không khả thi và đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Khi chuyển giảm thuế rất là dễ. Khi bán sản phẩm ra là có thể thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và gói giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng mang lại hiệu quả rõ nét và được đánh giá là gói giải pháp có hiệu quả" - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết.

"Đó là việc cần thiết trong bối cảnh tổng cầu có xu hướng suy giảm và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu"- PGS-TS Trần Hoàng Ngân, nhận định.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội TS. Nguyễn Quốc Việt đồng quan điểm, trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% ‘ế”, số tiền còn lại chưa được giải ngân nên chuyển sang sang mục đích chi khác để gói hỗ trợ này được hấp thụ tốt hơn. “Đề xuất giảm thuế, phí trực tiếp giống như đề xuất giảm thuế xăng dầu năm ngoái của Bộ Tài chính, vừa nhanh gọn, đơn giản, không cần thêm điều kiện, mà lại đúng mục tiêu chính sách từ đầu là hỗ trợ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh”- TS. Nguyễn Quốc Việt nói.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, về chính sách tài khóa, một trong những điểm đáng chú ý là tính đến hết tháng 9/2023, lũy kế tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm là 109.843 tỷ đồng, bằng 171% dự kiến khi xây dựng Chương trình.

Một số chính sách chủ yếu gồm: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%); giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 26/11/2021; giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu trong năm 2022 đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023.

Việc thực hiện các chính sách này đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.

 

Để đạt kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong những tháng cuối năm và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024, cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là hỗ trợ tài khóa. Trong đó, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% kéo dài trong cả năm 2024. Bên cạnh đó, cần xem xét thực hiện chính sách giảm một số loại thuế khác, miễn, giảm tiền thuê đất. (GS-TS Hoàng Văn Cường- Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân)