Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang soạn thảo Luật Lâm nghiệp thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Dự thảo Luật Lâm nghiệp đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và tới nay đã có bản dự thảo lần 5. Tuy nhiên, trong các bản dự thảo này, vai trò cũng như trách nhiệm và sự tham gia của các chủ rừng vào việc xây dựng, thực hiện Luật còn nhiều hạn chế.
Theo đại diện Vifora, trong tháng 2/2017, tổ chức này kết hợp cùng với Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức ActionAid thực hiện 15 cuộc khảo sát cộng đồng tại 5 tỉnh Cao Bằng, Đăk Lắk, Lâm Đồng, Trà Vinh và Bạc Liêu. Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng chuyển nhượng rừng và đất rừng đang diễn ra khá phổ biển, nhất là đối với những khu vực trồng rừng có hiệu quả cao hoặc được sử dụng một phần đất rừng để sản xuất nông nghiệp hoặc thủy sản, du lịch.
Do đó, khái niệm “chủ rừng” đôi khi không chính xác bởi người có quyền quyết định trồng, khai thác và mua bán rừng là người thuê đất của các chủ rừng khác, chứ không phải là chủ sở hữu đất rừng và theo Luật Lâm nghiệp thì họ không được xem là chủ rừng. Chính vì vậy, hiện còn nhiều ý kiến về những quy định chưa phù hợp cũng như những điểm trống về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi.Theo đó, nhiều ý kiến chuyên gia và các cán bộ địa phương, chủ rừng kiến nghị, bổ sung, chỉnh sửa quy định khái niệm về chủ rừng. Cùng với đó, đề nghị có quy định về quyền được hưởng lợi từ rừng của những người sống gần rừng, vì hiện nay người sống gần rừng vẫn tiếp cận với tài nguyên rừng, khai thác các nguồn lợi từ rừng nhưng không theo quy định nào của Nhà nước. Ông Hứa Đức Nhị - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Vifora cho biết, hiện nay đa số các chủ rừng đều đề nghị tăng thẩm quyền cho các chủ rừng trong việc xử lý vi phạm xâm lấn rừng và đất rừng. Đồng thời, cần có các quy định cơ bản về quy chế quản lý các loại rừng được đưa trực tiếp vào Luật để chủ rừng có thể thực hiện ngay mà không cần đi xin những giấy phép sau này.