Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyến xe đêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếc xe lại hỏng! Lần này là lần thứ mấy, kể từ lúc nó rời biên giới? Ngồi ở băng ghế sau, người phụ nữ phương Tây xinh xắn không nhớ, nhưng khó chịu và buồn lo lộ ra mặt.

Bởi lúc này trời đã tối. Trời tối ở một vùng đất xa lạ, còn ngổn ngang, bừa bộn tàn tích của chiến tranh. Đất hoang lạnh, loang lổ những vệt cháy. Cây sém, ủ rũ cạnh những đống vỏ đạn pháo lớn và những vòng thép gai bò loằng ngoằng gớm guốc. 

Thấy xe hỏng, người đàn ông phương Tây ngồi cạnh người phụ nữ, từ nãy vẫn lim dim như hoài niệm gì đó, choàng tỉnh, đẩy cửa xe, chui ra. Đó là một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, bụng xệ. Ông là phóng viên của nhiều tờ báo lớn trên thế giới, đã quá quen với hình ảnh của chiến trường, của sự hiểm nguy và những sự kiện sôi động trên khắp hành tinh.

- Rôda, em cứ yên tâm!

Người đàn ông ghé mặt vào cửa xe, an ủi người phụ nữ. Cạnh ông, chị trông thật nhỏ bé. Họ mới lấy nhau. Và người đàn ông đã thuyết phục được vợ mới cưới đồng ý hưởng tuần trăng mật ở một đất nước xa xôi đầy bí hiểm, một chuyến đi thỏa mãn đam mê nghề nghiệp của mình. Và, họ bay đến Việt Nam, rồi bây giờ quá cảnh qua đây, vùng đất vừa thoát khỏi cái tai ương khủng khiếp vô nhân đạo nhất kia, mới có ít ngày.
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
 - Xe làm sao thế, anh bạn? - Người đàn ông hỏi, giọng cố tỏ ra không sốt ruột.

- Thủng két nước, ông ạ. - Người lái xe đáp khẽ, nhưng lại chợt giật mình chồm lên, gào vào trong xe khi thấy ánh đèn lóe lên: - Tắt đèn! Tắt đèn đi, chị ơi!

Người đàn ông quay đầu lại. Ánh đèn trong xe tắt ngóm - chắc người phụ nữ định tìm gì đó. Người đàn ông bước lại cửa xe, nhún vai. Trong xe im thin thít. Cả hai đều tự hiểu một cách sâu xa rằng, ánh sáng lúc này là mục tiêu của bao điều hung hiểm. Tốt nhất là yên lặng trong đêm và chờ đợi.  

Nhưng bỗng, thình! Nắp ca-bô xe dập xuống. Người đàn ông bước nhanh lên đầu xe. Thấy người lái xe đang lau tay, ông liền quay lại, mở cửa xe, gieo mình xuống cạnh vợ, thở phào sung sướng:

- Thủng két nước! Nhưng, thật là kỳ diệu! Thật là kỳ diệu!

- Chữa được rồi, Bốp? - Người phụ nữ níu vai chồng rối rít, - Chữa xong thật rồi à! May quá!

- Anh ta đã chữa. Bằng gì em có biết không? Ở Cuba năm sáu mươi, anh cũng gặp một ca như vậy. Ở Ănggôla vừa rồi chiếc xe chở anh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, người lái xe bít lỗ thủng bằng xà phòng. Còn ở đây, anh lái xe người Việt này chít các lỗ thủng bằng phân trâu! Thật là kỳ lạ!

 Và bây giờ, khi xe đã chữa xong, tiếp tục lăn bánh, người phóng viên lại có cảm giác ngỡ ngàng, mỗi bánh xe lăn là một bước đi vào những điều chưa biết, từ cảnh quan tới không khí, khoảng trời.

Bánh xe chạm đánh kịch vào gờ một chiếc cầu, cắt đứt dòng suy tưởng của người đàn ông. Cả hai vợ chồng cùng bị xô về phía trước. Và họ cũng nhìn thấy lố nhố trong bóng đêm ba bốn cái mũ sắt cùng mấy ngọn súng tiểu liên. Người lái xe ngoảnh ra cửa, đưa tay lên chào những người gác cầu, nói gì đó và chiếc xe lại lăn đi ngay.

Thỉnh thoảng gặp một chiếc cầu và các trạm gác vừa làm cho hai vợ chồng người phóng viên yên lòng, vừa gây cho họ cảm giác phấp phỏng. Nhất là chiếc xe đã chạy cách cầu được một quãng, người lái xe trẻ tuổi quay lại, vẻ như bâng quơ:

- Không có bộ đội chúng tôi thì trong vòng một ngày, chiếc cầu sẽ bị phá sập ngay.

Người phụ nữ co người lại sau câu nói đó. Lúc này, người đàn ông háo hức vì nghề nghiệp, đã chuyển lên ngồi ở ghế trước và không khí trở nên hắt hiu khác thường.

- Một đất nước huyền thoại và trữ tình, Rôda ạ. - Người chồng quay lại, đắm chìm trong suy tưởng, thoát khỏi cái hiện thực lạnh lẽo ngoài kia. Nhưng người vợ bíu lấy cổ chồng, giọng lạnh run:

- Bốp! Sao chúng ta không đợi sáng mai hãy đi? Lạy Chúa! Em vừa đọc xong "Chùm nho uất hận" của Stenbéc. Sao em có cảm giác chúng ta đang ngồi trong chiếc xe Hundson của gia đình Tom đi về miền Caliphócnia xa xôi vô định quá!

- Đừng nghĩ u ám thế, Rôda!

- Lạy chúa, trong cuộc di cư tuyệt vọng ấy, thoạt đầu là ông nội Tom chết, kế đó là bà nội Tom...

Người đàn ông lắc đầu im lặng. Cái rùng mình từ người phụ nữ lan sang ông, để lại trong ông một cảm giác lửng lơ. Và khi thấy xe chạy gần một tiếng đồng hồ nữa mà không gặp lại một chiếc cầu nào, thì ông thấy nỗi lo sợ của người vợ là hợp lý.  

Đối lập với tâm trạng bất an của người phụ nữ và phần nào của người đàn ông, là sự điềm tĩnh của anh lái xe. Anh còn rất trẻ, chỉ độ hăm mốt, hăm hai. Khuôn mặt không thật đặc sắc, nhưng dễ mến, nhìn bán diện, cái trán hơi dô, gò mũi cao và cái cằm thon lẹm, nhỏ, hệt cái cằm con gái. Song đáng chú ý nhất là con mắt. Xe chạy không đèn. Nhưng mắt anh là ngọn đèn. Đó không phải là lên gân cố tình mà là sự bình tĩnh vì từng trải, vì làm chủ được sự vật, hòa hợp một cách nhuần nhuyễn với bản lĩnh của một chiến sĩ. Trong ánh sáng khi mờ khi tỏ, khuôn mặt anh giống như một kiệt tác điêu khắc vậy.

Người phóng viên phương Tây muốn ghi lại hình ảnh này trong ký ức và tập trung tìm kiếm cách diễn đạt chính xác nhất.

- Ông nên ngồi ra ghế sau đi.

Người lái xe bỗng ngoảnh sang người phóng viên, nói khe khẽ, nét mặt không hề thay đổi, nhưng đó là một nét mặt khó miêu tả nhất, vì đằng sau cái thần thái tự nhiên ấy là sự mênh mang, sâu thẳm của tinh thần. Người phóng viên còn đang dò đoán, cố nắm bắt cái tinh thần ấy, thì người lái xe đã thêm:- Ngồi ở ghế này nguy hiểm đấy, ông ạ.

Giọng nói đầy vẻ nghiêm trọng của anh lái xe khiến người phóng viên lập tức cảm thấy bị xúc phạm.

- Tôi đã từng ở mặt trận Palextin. Tôi ở bãi biển Hirôn Cuba khi bọn Mỹ bị đánh trả tơi bời. Tôi vừa ở Ápganixtăng về...

Người lái xe quay lại, hai con mắt thông minh chớp chớp, anh hiểu tâm trạng ông nhà báo, nhưng hơi mỉm cười:

- Ở đây, bọn tàn quân Pôn Pốt nó ranh ma lắm, ông ạ. Phát súng đầu tiên chúng dành cho người lái. Phát sau là một quả B41. Tháng trước có một ông bị vạ lây với tôi vì thế, may chỉ bị thương. Vả lại, đừng để bà ấy ngồi một mình.

 Xe lại gặp một chiếc cầu. Trên dặm đường thăm thẳm, đó là nỗi an ủi duy nhất của hai vợ chồng. Lần này, trời sáng hơn. Và vì người lái xe xin thuốc lá người gác cầu, nên người phóng viên nhìn rõ gương mặt những anh bộ đội Việt Nam; những người lính rất trẻ, tỉnh táo và mắt lấp lánh nhiệt tình khi nhận ra trong xe có hai người phương Tây, nhất là lại có một người phụ nữ.Nhưng cuộc gặp gỡ như định kỳ ấy lại khiến người phụ nữ thấp thỏm.  Người phụ nữ níu tay chồng, dồn dập hơi thở:

- Bốp! Thật kinh khủng! Chỉ với cái không khí này em cũng đã hiểu bọn người xưa kia thống trị xứ sở này tàn ác như thế nào rồi. Nhưng sao lại dấn thân vào đất này! Thật là mạo hiểm! Mà em cũng chẳng hiểu: Tại sao người Việt lại dính vào công việc ở đây. Họ rỗi việc quá hay sao, nên thấy đám cãi nhau liền xô lại can?

- Không phải! Bọn Pôn Pốt đánh họ đấy chứ! - Người đàn ông cải chính.Người phụ nữ lắc đầu:

- Em không thích, Bốp à. Chúng ta sống yên ổn, thái bình và buôn bán với ai thỏa thuận với ta. Sao họ không như ta?

Lần này người đàn ông không giải thích cho vợ nữa. Chị là một phụ nữ xinh đẹp, yếu ớt và ngây thơ. Vậy thôi. Nhưng, người lái xe sau khi nghe người đàn ông dịch lại câu nói của người phụ nữ, gần như nhoai nửa người qua lưng ghế, anh chỉ lái có một tay.

- Chị chưa hiểu dân tộc tôi. Chị tôi, năm trước xung phong đi xây dựng kinh tế ở Tây Nguyên. Hăm hở lắm. Nhưng vừa rồi, tôi về phép, thì gặp bà ấy bồng tất cả con cái về làng. Không phải bà ấy không chịu được khổ. Trên ấy sung túc là khác. Nhưng bà ấy về vì... nhớ quê. Cái làng quê Việt Nam giữ chặt chân người ta lắm. Người ta chẳng muốn rời khỏi làng mình, xã mình, huyện mình, tỉnh mình, chứ đừng nói đi tới nước khác. Người Tàu thì khác! Với ba củ lạc rang, họ đi khắp thế giới. Họ đến đất này, thoạt tiên xin ngủ nhờ đầu hè nhà người Khơme. Ít lâu sau, họ mở sòng bạc, cửa hàng tạp hóa. Rồi họ lấy người địa phương. Rồi bắt đầu mua đất. Người Cămpuchia đánh bạc hết tiền đành phải cầm đất. Hết đất, thế là vợ chồng con cái lên xe cho bò kéo đi. Êm thấm là cái cách của người Tàu. Còn chúng tôi, tất nhiên không phải thế. Nhưng nói thế nào để chị hiểu nhỉ? Ờ, vấn đề chính trị, ờ, đúng là bọn Pôn Pốt đã gây sự với chúng tôi... nhưng không phải chỉ có thế... Nhưng mà thôi... đến Cămpuchia, ông nên đưa bà ấy đi xem Ăngco.

- Anh đã đi chưa? - Người phóng viên hỏi.

- Tôi đã đưa khách đến đó một vài lần. Chà! Thật là một kỳ quan. 

Người phụ nữ bị nỗi sợ hãi ám ảnh giày vò, không để ý tới ý tứ chứa đựng trong từng câu nói của anh lái xe, nghe chồng dịch lại chưa hết, đã lắc đầu quầy quậy:

- Không! Không! Tôi chẳng đi đâu cả! Lạy Chúa! Đến Phnômpênh tôi mua vé máy bay về nước. 

- Những câu nói gay gắt của người phụ nữ làm không khí trong xe trở nên nặng nề. Không ai nói nữa. Và lúc này xe đang đi vào một vùng tối âm u. Bóng đen từ khu rừng cao-su rậm tỏa ra, vệt đường trước kính xe chìm lẫn vào cõi mông lung.

Người phụ nữ nép vào bên chồng, run rẩy. Chỉ lẩm nhẩm như đọc kinh: "Bốp! Chắc chắn là họ đã dò mìn cẩn thận rồi chứ!". Bốp, sao mãi không đến một chiếc cầu nào?" "Bốp! Dừng lại ở trạm gác cầu sắp tới nhé! Em chịu không nổi nữa rồi!". Và sau cùng nỗi sợ hãi của chị đã tới cực điểm, đã thành sự thật. Chị bỗng ôm choàng lấy chồng, rú lên một tiếng khiếp đảm và tắc nghẽn.

Đoành! Đoành! Đoành! Đạn vừa nổ ba tiếng phá vỡ bóng đêm. Đó là tiếng súng của bọn tàn quân bắn vào xe.

Người phóng viên chồm lên, thét một tiếng còn kinh hãi hơn tiếng rú của người phụ nữ, ông nhìn thấy người lái xe đập mặt xuống vành tay trái:

- Trời!Ông run hết cả người, cảm thấy mất hết tự chủ. Cảnh tượng trước mắt ông là sự thật mà như ác mộng. Tên phỉ thiện xạ nào đó đã bắn thật chính xác, ba viên đạn xuyên qua ngực người lái xe phá chếch ở phía lưng anh. Anh gục xuống, lưng hơi cồm dậy, ở đó máu ứa đen thẫm. Vậy là hết rồi! Hết rồi! "Phát đạn đầu chúng dành cho người lái xe. Phát thứ hai là một quả B41". Bọn tàn quân vẫn giữ cái lối xử sự như thời chúng còn thống trị đất này: chúng không ưa bắt tù binh, không sử dụng trại giam. Chúng giết người ngay tại chỗ, gọn ghẽ và chóng vánh.

Người đàn ông lảo đảo đứng dậy, mất hết tri giác. Nhưng ông bỗng nắm lấy lưng ghế trước. Sao lạ thế này? Trong giây phút hoàn toàn tuyệt vọng này, khi người vợ yêu quý đã chết ngất bên mình, kỳ lạ quá, người đàn ông bỗng thấy trọng lượng thân thể mình sụt xuống, ông hẫng người, chông chênh trong một cảm giác mờ mờ ảo ảo: ngoài xe, cảnh bỗng chuyển dịch liên tục như các khuôn hình của một cuốn phim đang chiếu trên màn ảnh.

"Xe vẫn chạy". Người đàn ông bàng hoàng khi thấy ở phía sau xe vừa vụt qua một luồng hơi nóng ngột và một tiếng nổ lớn. Ông ngồi xuống, nghiến chặt răng.

Quả thật chiếc xe có khựng lại, nhưng chỉ một giây lát thôi. Và bọn tàn quân chưa kịp phóng quả đạn hủy diệt nó, nó đã tiếp tục lăn bánh.

Chiếc xe không chết! Nó lao vùn vụt, tốc độ xem ra có phần nhanh hơn lúc nãy. Tựa như có một lực vô hình đẩy nó. Tựa như có một phép thần nào điều khiển nó. Tựa như trong nó vừa xuất hiện một bầu năng lượng mới chưa từng có. Bởi vì anh lái xe người Việt vẫn gục trên tay lái, máu càng lúc càng đẫm khoảng lưng áo sau. Bởi vì anh lái như đang ở trong giây phút hấp hối; nhưng thỉnh thoảng anh lại nghển lên như là quằn quại, nhìn về phía trước, rồi lại dụi mặt xuống tay lái, đau đớn hực hực thở hắt ra.

Mười phút sau, chiếc xe đỗ lại ở một cây cầu có những người lính gác. Anh lái xe bất tỉnh, nhưng chân vẫn còn đặt hờ trên chân ga, tay vẫn nắm chặt vành tay lái.

*   *     *

Câu chuyện về chiếc xe vượt qua cõi chết vô cùng khó hiểu đã trở thành một trong những chuyện kỳ lạ của chiến tranh. Tính toán chi li thì với ba viên đạn xuyên qua phổi, anh lái xe người Việt coi như đã gục ngay tại chỗ rồi. Cũng không phải là chiếc xe đã chạy theo quán tính. Đường rừng ở đây ngoằn ngoèo, không theo một sơ đồ cố định nào. Vả lại, tính ra, nó đã chạy được tới gần mười cây số để tới sự sống an toàn.

Câu chuyện gây xôn xao cho các bác sĩ và các phóng viên.

Hai vợ chồng người phóng viên phương Tây đến bệnh viện. Anh lái xe người Việt chưa chết. Đến bên giường anh, người phụ nữ đặt bó hoa lên cái bàn nhỏ cạnh anh, nước mắt giàn giụa. Còn người đàn ông, thói quen ưa tìm hiểu sự vật đến cùng của nghề nghiệp lại tan hòa vào xúc động.

Ông nắm tay người lái xe trẻ tuổi, rưng rưng:

- Thật là kỳ diệu! Vì sao có thể như thế được, anh bạn?

Mắt nhợt vì mất máu, anh lái xe mấp máy đôi môi nhỏ:

- Lúc ấy tôi như chết rồi. Nhưng ông bà là người tôi có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn, ông bà như mọi người, cần phải sống. Ông bà lại mới lấy nhau. Tôi như chết rồi. Nhưng chân ga chưa chết, mắt cũng như tay cố sống thêm, cố gắng để sống thêm...

Ngước mắt lên nhìn người phụ nữ mí mắt đầy nước, anh lái nhoẻn cười, nụ cười in dấu cơn đau, méo xệch:

- Ông bà nên đi thăm Ăngco đi. Đó mới là sự kỳ diệu...

Anh nói thế đã quá sức rồi. Người phóng viên ghi lại ngay những lời của anh. Vì đó có thể là những lời cuối cùng của một người đã biểu hiện một cách hết sức tự nhiên và khiêm tốn nhân cách dân tộc mình: Một dân tộc vị tha, sống chết vì người khác, điều đó đã trở thành một đạo lý, một nguồn năng lượng vô tận của họ.