Tăng tính tự chủ
Theo Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình trước Quốc hội cho thấy, TP Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc TP quản lý như quản lý thu ngân sách Nhà nước; quản lý chi ngân sách Nhà nước; mức dư nợ vay (nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải bảo đảm khả năng trả nợ) và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính (cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính của TP để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng)…
Đây không phải lần đầu tiên bàn về cơ chế đặc thù với TP Hà Nội, hiện có 3 văn bản điều chỉnh vấn đề này. Nội dung Dự thảo Nghị quyết còn “mỏng”, thiếu những quy định mang tính đột phá. Chúng tôi mong muốn có những bước đột phá, quy định mang tính mạnh mẽ hơn để tạo cơ sở pháp lý. Tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô, chúng ta cần nghiên cứu tổng thể để tạo sự ổn định, tránh việc thường xuyên điều chỉnh manh mún, trong khi quy mô chưa đạt được mức như kỳ vọng. ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) |
Đồng thời, Chính phủ đề nghị thí điểm giao HĐND TP Hà Nội quyết định việc thu phí; quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh); quy định TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các DN do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Hà Nội cũng được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Hà Nội được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do TP quản lý…
Dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của TP Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới...
Phải có đủ “đôi cánh” mới phát triển mạnh được
Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết này, nhiều ĐB Quốc hội tán thành với việc ban hành Nghị quyết, nhằm tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển mạnh hơn. Mục đích của việc trao các cơ chế, chính sách đặc thù này là nhằm tăng nguồn lực đầu tư phát triển cho Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, các cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Hà Nội được đề xuất lần này mới giải quyết các vấn đề ngắn hạn, chưa thực sự là chính sách đột phá để phát triển lâu dài…
ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phân tích, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển quy định trong Luật này rất hạn chế, thậm chí “bị vo tròn thành cái chung”. “Cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh. Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội rất trăn trở câu chuyện này. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khóa. Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng” – ĐB nói.
Lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của TP mà còn cần được đầu tư từ ngân sách T.Ư, sự phối hợp đầu tư của các bộ, ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) |
Thực tế trước Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54) về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù cho TP. ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP Hồ Chí Minh đã có tại Nghị quyết 54 là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.
Cùng chung nhận xét này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định, TP Hồ Chí Minh còn có nhiều cơ chế khác để tạo nguồn lực thêm nữa nhưng Hà Nội lại không đề xuất, ví dụ được tự quyết chuyển đổi đất nông nghiệp sang các quỹ đất khác. Về việc đề nghị cho TP Hà Nội được chủ động bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, theo ĐB, nếu có được nguồn thu này sẽ là cơ sở tạo ra điều kiện phát triển vượt trội của Thủ đô. Mặt khác, không nhất thiết các khu vực có một mức phí như nhau, mà có thể quận, huyện có mức khác nhau.
Tại các đoàn ĐB Quốc hội khác, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo nghị quyết về chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia và quan trọng hơn là bộ mặt của quốc gia. Hiện, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp vào tổng thu chung khoảng 17%. Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng và được chi khoảng 100.000 tỷ đồng. Tỷ lệ điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%. Tuy nhiên, bình quân đầu người ở Hà Nội là 5.200 USD/người/năm, đứng thứ 8 trong 63 tỉnh, TP. Do đó, cần thiết phải đầu tư thêm cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng, đường sá quá tải…
Trong phiên thảo luận, các ĐB cũng lưu ý một số vấn đề như với những cơ chế, chính sách có tác động trực tiếp tới người dân, DN như thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí… thì cần hỏi ý kiến người dân. Đồng thời, cần tăng cường phân cấp hơn, chỉ nên quy định cái khung, có trần, có sàn, còn trong khoảng đó thì để cho TP linh hoạt, sáng tạo.
Cùng với đó, các ĐB cũng nhận định, cơ chế đặc thù về ngân sách lần này chỉ là một phần để phát triển Thủ đô. Chiến lược lâu dài phải tính đến là điều chỉnh Luật Thủ đô ở tất cả các thể chế, chính sách về chính quyền đô thị, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đô thị đặc biệt, TP lớn như Hà Nội, để có sự phát triển đột phá, lâu dài và vững chắc.