Điều này dẫn tới tình trạng phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong nông nghiệp đạt thấp.
Chế tạo chưa theo kịp sản xuất
Những năm qua, do nhu cầu bức thiết của sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa lớn, CHG nông nghiệp đã có bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa đồng bộ mà mới chỉ tập trung vào một số khâu ở cây lúa. Đánh giá của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trình độ và hiệu quả ứng dụng CGH trong nông nghiệp còn thấp, tổn thất sau thu hoạch cao. Đáng nói là ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước chưa đáp ứng nhu cầu của sản xuất, nhiều chủng loại máy đang có nhu cầu lớn như máy cấy, liên hợp… vẫn phải nhập khẩu.
Hiện nay, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam còn thấp hơn một số nước trong khu vực. Tỷ lệ CGH còn chênh lệch giữa cây lúa và cây trồng khác khiến khả năng cạnh tranh của nông sản nguyên liệu bị hạn chế. Hơn nữa, mức độ trang bị CGH không đồng đều giữa các vùng miền, trong đó đạt rất thấp ở các vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, hộ sản xuất nhỏ khiến cho năng suất nông nghiệp thấp.
TS Chu Văn Thiện - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết, qua khảo sát 92 cơ sở chế tạo máy tại 15 tỉnh, TP đại diện cho 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, chủ yếu là DN nhỏ (chiếm 53%), DN siêu nhỏ (36%). Về trang thiết bị chế tạo, có tới hơn 53% trong tình trạng cũ và lạc hậu, trang thiết bị hiện đại chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (5%). Một vấn đề nữa là hệ thống mạng lưới dịch vụ bảo hành sửa chữa vẫn đang thiếu trầm trọng. Do đó, nếu máy móc xảy ra hư hỏng, chủ yếu nông dân phải… tự sửa vì không có trạm sửa chữa tại địa phương. “Các sản phẩm máy nhập khẩu từ một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… chiếm con số áp đảo, gần 70%. Sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm từ 15 - 20%” - ông Thiện cho biết.
Tháo gỡ từ chính sách
Để phát triển các DN cơ khí chế tạo, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành gần 30 chính sách liên quan. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ ngành cơ khí, khả năng đáp ứng của các ngành này mới đạt khoảng 30%. Theo ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam , Nhà nước ban hành nhiều văn bản nhưng còn chậm và tản mạn, chưa có văn bản mang tính pháp lý cao để hợp nhất các chính sách có liên quan. Đơn cử, chỉ tính riêng trong hơn 3 năm (2010 – 2013), cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đã 3 lần thay đổi theo chủng loại máy, gây khó khăn cho việc tiếp cận chính sách.
Bên cạnh đó, công cụ hỗ trợ trực tiếp phát triển CGH nông nghiệp hiện nay chủ yếu là hỗ trợ lãi suất vay vốn để mua sắm máy thiết bị, dây chuyền sau thu hoạch. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhà nước và ngân hàng đề ra quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, gây nhiều khó khăn cho người dân. Thủ tục lập dự án vay vốn kéo dài, phức tạp đối với nông dân, quá trình thẩm định lại còn nhiều lúng túng trong khi thời hạn ưu đãi lãi suất ngắn, thế chấp tài sản khó thực hiện khiến cho việc tiếp cận chính sách hỗ trợ gặp nhiều rào cản. Hơn nữa, nguồn lực hỗ trợ cũng còn hạn chế, trong 5 năm (2011 – 2015), ngân sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc CGH trong nông nghiệp chỉ khoảng 500 tỷ đồng.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất, để đẩy mạnh CGH trong nông nghiệp, cần tháo gỡ những vướng mắc, rào cản đến từ chính sách. Theo đó, chính sách hỗ trợ CGH phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và DN, tập trung vào các khâu tạo đột phá, cần ưu tiên đầu tư, tránh sa vào hỗ trợ lắt nhắt… để tiến tới giảm dần nhập khẩu máy móc. “Cần tạo cơ chế chính sách mới có tính đột phá, thúc đẩy CGH trong nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới” – Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối Lê Văn Bảnh đề nghị.