Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội gia nhập NATO của Ukraine ngày càng xa vời

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Washington tuyên bố Ukraine vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để trở thành thành viên NATO. Trong khi đó, lãnh đạo liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu khẳng định, Kiev phải chiếm ưu thế trong cuộc xung đột với Nga nếu muốn gia nhập NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2023 ở Vilnius, Lithuania vào ngày 12/7/2023. Ảnh:  Getty
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO 2023 ở Vilnius, Lithuania vào ngày 12/7/2023. Ảnh:  Getty

Tass đưa tin, Đặc phái viên Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith hôm 12/6 cho biết, Ukraine vẫn chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu và tiêu chí để trở thành ứng cử viên chính thức của liên minh quân sự này.

Đề cập đến tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên quan đến việc NATO xem xét kết nạp Ukraine, bà Smith nêu rõ tại cuộc họp báo ngày 12/6: "Chúng tôi nhắc lại rằng Ukraine vẫn còn một số việc phải làm cũng như thực hiện những cải cách cần thiết để đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên của NATO".

Đồng thời, bà Smith lưu ý thêm rằng các đồng minh NATO đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Ukraine để giúp họ tiếp tục đạt được tiến bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nêu điều kiện tiên quyết để kết nạp Ukraine, theo đài RT. Theo Tổng thư ký Stoltenberg, Kiev phải chiếm ưu thế trong cuộc xung đột với Moscow nếu muốn trở thành thành viên NATO.

“Tôi hy vọng rằng các đồng minh sẽ đưa ra những thông báo quan trọng từ nay đến hội nghị thượng đỉnh, cũng như tại hội nghị thượng đỉnh, về việc bổ sung thêm thiết bị quân sự… điều cấp thiết để đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền” - ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ở Brussels hôm 12/6.

“Chắc chắn, nếu không có điều kiện đó thì không cần phải thảo luận về vấn đề thành viên. Chúng ta cần đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng thế, đó là điều kiện tối thiểu để Ukraine trở thành thành viên của liên minh” – người đứng đầu NATO nói thêm.

Các bình luận mới nhất được giới chức Mỹ và Tổng thư ký Stoltenberg đưa ra vào thời điểm các nước NATO chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Washington vào ngày 9-11/7.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí Time, Tổng thống Biden tuyên bố, Mỹ “chưa chuẩn bị cho việc Ukraine gia nhập NATO”. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng hòa bình cho Ukraine không có nghĩa là Kiev phải gia nhập liên minh quân sự này.

Tổng thống Biden cũng thừa nhận, những hạn chế của chính quyền Kiev hiện khó có thể đáp ứng các yêu cầu gia nhập NATO, đồng thời khẳng định rằng các thỏa thuận an ninh song phương phù hợp hơn với Kiev lúc này.

Theo tờ Business Insider, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là "đón giáng mạnh" vào những nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Tờ Business Insider nhận định, Tổng thống Biden và đội ngũ cố vấn của mình dường như đang làm mọi cách để ngăn chặn Ukraine có thể gia nhập NATO. Đội ngũ tranh cử của ông Biden tin rằng việc Kiev gia nhập liên minh có thể phá hỏng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của họ vào tháng 11.

Ukraine đã nộp đơn xin gia hạn trở thành thành viên NATO vào tháng 9/2022. Tuy nhiên liên minh quân sự này vẫn tránh chấp thuận đơn xin của Kiev dù kết nạp liên tục thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển.

Cả Mỹ và Đức đều lên tiếng phản đối việc Ukraine nhanh chóng gia nhập liên minh. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4 khẳng định, Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO nhưng không đề cập thời điểm cụ thể. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thậm chí còn thừa nhận trong phiên điều trần trước Quốc hội rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine đi ngược lại lợi ích quốc gia của Nga.

Về phần mình, Nga xem nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine và việc liên minh này tiếp tục mở rộng về phía Đông là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột hiện nay. Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh của mình và nhấn mạnh rằng Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập với lực lượng vũ trang hạn chế.

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo, việc  Ukraine gia nhập NATO sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ tiêu cực đối với an ninh châu Âu và sẽ cần đến phản ứng cứng rắn từ phía Nga.