Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội thoát nghèo bền vững

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/3, hộ nghèo được nâng mức cho vay tối đa, nâng thời hạn cho vay và không phải đảm bảo tiền vay theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Chính sách mới này sẽ là động lực cho các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mong được mở rộng sản xuất, kinh doanh
Khi nghe tin có chính sách nâng mức cho vay tới 100 triệu đồng, anh Quách Ngọc Khuyết, thôn Rộc Éo, xã An Phú, huyện Mỹ Đức vui mừng khôn xiết. Nhờ vay vốn chính sách mà mấy năm qua, cuộc sống của gia đình anh đã đổi thay. Sau khi được vay vốn làm ăn, anh nuôi 20 con lợn thương phẩm và 4 lợn nái… Đến nay, tổng thu nhập gia đình là 150 triệu đồng/năm. "Nếu được vay thêm, tôi sẽ phát triển nuôi gà, mở rộng mô hình VAC" - anh Khuyết bày tỏ nguyện vọng.
Cùng thôn Rộc Éo, anh Bạc Văn Huân, vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo, trồng keo lấy gỗ, kết hợp chăn nuôi, bò. Theo anh Huân, mức vay tối đa 50 triệu đồng như trước đây, nếu muốn đầu tư bài bản thì không đủ, chưa kể thời gian vay 3 - 5 năm không kịp xoay xở do trồng cây lấy gỗ, chăn nuôi đại gia súc có thời gian sinh trưởng dài.
 Vay vốn Ngân hàng CSXH tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai.
Đến thôn Tân Tiến, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, rất nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ chương trình vay vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng CSXH. Nay với mức vay mới, người dân có thể đầu tư cho dự án lớn hơn, cơ hội thoát nghèo nhiều hơn.
Chị Lê Thị Phượng ở thôn Tân Tiến kể, chị vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện từ năm 2017 để mở xưởng may quần âu gia công. Hiện xưởng có 6 máy may, với 5 nhân công, thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài nguồn vốn vay từ chương trình, gia đình chị phải vay mượn thêm anh em, bạn bè mới đủ. “Nghe tin nâng mức cho vay, tôi đang làm hồ sơ xin vay thêm 40 triệu đồng để đầu tư thêm 3 máy may” - chị Phượng nói.
Đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Mỹ Đức Đinh Văn Hoán, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo trong xã rất lớn. Nếu vay 50 triệu đồng như trước kia, hộ vay chỉ mua được bò mà không có tiền đầu tư trồng cỏ, làm chuồng. Việc nâng mức cho vay tới 100 triệu đồng sẽ giúp người vay vừa mua được bò, lại có vốn làm chuồng trại, trồng cây…
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, ngoài nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ gồm, chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định, không phải đảm bảo tiền vay, còn nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng (mười năm) thay vì 60 tháng (5 năm) như trước đây.
Khi nâng mức cho vay chắc chắn cơ hội thoát nghèo sẽ cao hơn. Quan trọng là hộ vay phải có phương án tổ chức kinh doanh hiệu quả thì mới thoát nghèo nhanh. Đại diện NHCSXH Chi nhánh Hà Nội cho biết, năm 2019, Chi nhánh được bổ sung từ nguồn vốn T.Ư là 20 tỷ đồng, song nhu cầu của người dân rất lớn, do đó sẽ điều chỉnh cho vay trong khung giới hạn cho phép.
Ngân hàng sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể thẩm định kỹ phương án kinh doanh của người vay, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đảm bảo hiệu quả, tránh cho vay cào bằng, tràn lan. Do vốn vay lớn nên ngân hàng sẽ xin ý kiến cơ cấu lại nguồn thu hồi, ví dụ khối quận tỷ lệ hộ nghèo cận nghèo, thoát nghèo ít hơn thì chuyển cơ cấu sang các vùng sâu, vùng xa. 
Tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH Hà Nội đạt 7.280 tỷ đồng, trong đó dư nợ chương trình nhóm nghèo là 2.780 tỷ đồng; doanh số cho vay là 3.270 tỷ đồng (chiếm 38% tổng dư nợ) với trên 32.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn dư nợ. Mức cho vay bình quân đạt 38 triệu đồng/hộ.