Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về ưu đãi tín dụng đối với hộ cận nghèo từ ngày 16/4 được coi là cơ hội thoát nghèo bền vững cho nông dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Ông Bùi Quang Vinh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội cho biết: Chương trình đã giải quyết việc làm cho rất nhiều nông dân thông qua hệ thống NHCSXH đang có dư nợ khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2012.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực sự đã đang và sẽ là phao cứu sinh cho người nông dân nghèo và vừa thoát nghèo. Để các hộ thoát nghèo không tái nghèo, từ đầu năm 2012, NHCSXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành của TP xây dựng chương trình hỗ trợ cho các hộ này được tiếp tục vay vốn.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ cận nghèo ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thắng Văn
Theo thống kê thực trạng các hộ vừa thoát nghèo năm 2012 cho thấy, có tới hơn 30% số hộ (tương đương với khoảng hơn 10.000 hộ) có nguy cơ tái nghèo và cần tiếp sức bằng cho vay vốn để chống tái nghèo. Theo tính toán ban đầu, nguồn vốn cho nhóm đối tượng này cần bổ sung khoảng hơn 200 tỷ đồng trong năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho biết: Nhu cầu vay vốn ưu đãi của hộ cận nghèo không khác gì người nghèo. Tuy nhiên, những năm trước do điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép, nên mới chỉ đáp ứng được nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo sẽ giúp hộ cận nghèo có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, không tái nghèo trở lại. Kết quả này sẽ góp phần rất lớn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội hiện nay.
Trước kia, khái niệm hộ nghèo và hộ cận nghèo mang tính định tính hơn là định lượng. Một hộ đầu tháng cận nghèo nhưng cuối tháng có thể thành hộ nghèo, trong khi đó đặc tính giữa nghèo và cận nghèo lại không khác nhau. Nhiều địa phương chạy theo thành tích muốn có tỷ lệ hộ nghèo thấp, muốn xây dựng nông thôn mới xong sớm nên việc đưa ra số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa chính xác. Vì vậy, trong quá trình bình xét hộ nghèo tại nhiều địa phương đã diễn ra căng thẳng giữa nội bộ nhân dân; giữa nhân dân với cơ quan thực hiện chính sách…
Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần khắc phục được tình trạng này.Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo. Trong số 1,5 triệu hộ này có 0,8 triệu hộ đã thoát nghèo nhưng đang còn dư nợ chương trình hộ nghèo với tổng dư nợ khoảng 11.000 tỷ đồng, 0,7 triệu hộ còn lại đã thoát nghèo và hiện gần như chưa được tiếp cận với vốn ưu đãi.
Với số hộ đang còn dư nợ thì vẫn tiếp tục sử dụng vốn, khi đến kỳ hạn trả nợ được chuyển sang cho vay đối với tín dụng hộ cận nghèo. NHCSXH sẽ thu hồi vốn vay tới hạn từ những hộ nghèo đã thoát nghèo để chuyển sang cho vay đối với 0,7 triệu hộ cận nghèo.
Dự kiến nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo trong năm nay khoảng 10.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 8.000 tỷ đồng thu được từ vốn tới hạn trả của hộ nghèo đã thoát nghèo.
Từ nay đến cuối năm, NHCSXH sẽ cho vay mới khoảng 3.000 tỷ đồng đối với hộ cận nghèo. Từ năm 2014, ngân hàng sẽ xây dựng kế hoạch vốn tín dụng, trong đó có tín dụng cho hộ cận nghèo để Chính phủ duyệt.
Theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo không vượt quá 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Mức vay tối đa đối với hộ cận nghèo là 30 triệu đồng. Chu kỳ vay tùy theo đối tượng cây, con, mô hình sản xuất. Nếu cây trồng hàng năm thì chu kỳ vay tối thiểu là 1 năm. Nếu đầu tư chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp thì chu kỳ vay có thể từ 3 - 7 năm. |