Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một cuộc giao ban bất thường ở tòa soạn báo Kinh tế & Đô thị

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 20/8/2021. Đã mấy tháng nay, tòa soạn báo Kinh tế & Đô thị giao ban chuyên môn online, ngoài Ban biên tập chỉ có vài trưởng ban chuyên môn có mặt tại trụ sở 21 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Cánh thư ký, biên tập viên cả toà soạn báo in lẫn điện tử ung dung ngồi nhà giao ban có vợ chuẩn bị cho ly café sáng, xem ra thoải mái hơn trước…

Theo mạch thời gian

8 giờ 30 giao ban bắt đầu. Như thường lệ, cánh anh em ở nhà cũng như các văn phòng đại diện Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh vừa trải qua màn điểm danh “khốc liệt” đang xả hơi đôi chút trước khi bắt đầu cuộc họp chuyên môn. Theo lệ thường, đầu buổi giao ban là các báo cáo chuyên môn của ban tòa soạn, những cuộc “mổ xẻ” bài vở trong tuần mà không ít người cúi gằm mặt bởi những lỗi không tên, lỗi có tên, lỗi chủ quan, lỗi khách quan…

Nhưng lần này lại khác, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức mở đầu buổi giao ban trực tuyến bằng lời chào đầu cầu TP Hồ Chí Minh và “ưu tiên” cho Văn phòng đại diện báo cáo tình hình hoạt động trong tuần qua, cũng như tình hình dịch bệnh diễn ra tại các địa phương ở miền Nam.

Trong 4 văn phòng đại diện của báo thì Văn phòng TP Hồ Chí Minh quản một địa bàn rất rộng, từ Nha Trang trở vào, với 17 nhân sự. Màn chào hỏi trôi qua khá nhanh, giao ban thời Covid-19 là thế.
 

Từ đầu cầu TP Hồ Chí Minh, giọng Trưởng văn phòng đại diện Đoàn Bá Trường bắt đầu: “Văn phòng hiện đã có một phóng viên là F0, một phóng viên là F1, toàn bộ 17/17 cán bộ, phóng viên, nhân viên của văn phòng đều đang sống và làm việc tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Có 7 phóng viên đang sống trong các khu vực bị phong tỏa”.

Nhìn lên màn hình giao ban, không chỉ tôi mà mấy chục khuôn mặt khác đang tham dự giao ban trực tuyến đều chuyển trạng thái. Lâu nay, chúng tôi vẫn nghe đến các cụm từ F0, F1, Covid-19, cách ly, giãn cách… nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe chính người trong cuộc chia sẻ. Cách đây 10 ngày, làng báo vừa phải tạm biệt nhà báo đầu tiên ra đi vì Covid-19, anh ấy công tác tại Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, mới 28 tuổi.

Giọng nhà báo Bá Trường đều đều: “Phóng viên Duy Chí được phát hiện mắc Covid-19 vào chiều ngày 17/8, nguyên nhân là do tác nghiệp ở các “điểm nóng” tại Bình Dương trước đó. Phóng viên Tân Tiến là F1 vì trong gia đình có người thân bị F0. Các phóng viên Tân Tiến và Tiểu Thúy đã hơn 40 ngày không đến cơ quan, phải làm việc ở nhà vì gia đình ở trong khu vực phong tỏa nghiêm ngặt tại quận 6. Phóng viên Huy Chương sống ở chung cư Tecco Tân Bình. Phóng viên Ngọc Huân ở chung cư 76 Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh. Phó Trưởng Văn phòng Phạm Văn Hùng sống ở chung cư SAV3, TP Thủ Đức. Phó Trưởng Văn phòng Trần Mậu Dũng sống ở chung cư Bàu Cát 2, quận Tân Bình. Những nơi này đều là điểm nóng về dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh”.

Không khí buổi giao ban chùng xuống, mỗi người một suy nghĩ, nhưng tất thảy đều hướng về TP Hồ Chí Minh, nơi những đồng nghiệp của chúng tôi đang hàng ngày vừa tác nghiệp vừa phải gồng mình chống dịch, đối diện với nhiều nguy hiểm trực chờ.

Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức cắt ngang báo cáo: “Tình hình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của cán bộ, phóng viên trong Văn phòng TP Hồ Chí Minh hiện nay như thế nào? Trang bị bảo hộ cho anh em như thế nào? Văn phòng TP Hồ Chí Minh cần tòa soạn hỗ trợ những gì?”. Tôi nhìn các khuôn mặt những đồng nghiệp tại đầu cầu phía Nam, loáng thoáng có vài khuôn mặt mới của tờ Pháp luật và Xã hội vừa gia nhập ngôi nhà chung từ đầu năm.

Khuôn mặt của các thành viên tham dự giao ban giãn đi sự lo lắng khi đầu cầu TP Hồ Chí Minh cho biết, tất cả anh em đã tiêm vaccine xong mũi 1, có tám người đã tiêm mũi 2. Từ khi làn sóng dịch lần thứ 4, Văn phòng trong đó cũng đã lo cho anh em đi tác nghiệp đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn.

Được sự chỉ đạo của Công đoàn Báo Kinh tế & Đô thị, ngay từ đầu đợt dịch anh em trong văn phòng xác định: “Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”. Khi gia đình nào có chuyện là khó đến mấy, xa đến mấy Tổ Công đoàn Văn phòng TP Hồ Chí Minh đều cử người đến tận nơi chia sẻ, hỗ trợ.

“Có gia đình các anh em nào gặp khó khăn về kinh tế, anh em trong ấy hàng ngày tác nghiệp như thế nào?”, câu hỏi chung của Tổng Biên tập dành cho từng thành viên tham dự giao ban. Trưởng Văn phòng đại diện Đoàn Bá Trường báo cáo: “Gia đình các cán bộ, phóng viên trong văn phòng cơ bản đều ổn định, cuộc sống không quá khó khăn. Nên thưa Tổng biên tập, anh em trong này động viên nhau thu xếp việc nhà, để đảm bảo tác nghiệp được tốt, không để sót các tin bài thời sự, có nhiều bài chuyên sâu phân tích, tư vấn, tuyên truyền, phản biện công tác chống dịch tại các địa phương…”.

9 giờ 05. Chỉ 30 phút cho Văn phòng TP Hồ Chí Minh là không đủ, nhưng đầu cầu Đà Nẵng cũng đang đợi. Giọng của Trưởng Văn phòng đại diện Trương Sỹ Linh có vẻ vui hơn, tuần trước anh em vừa được Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng biểu dương tinh thần xông pha nơi “lửa đạn” cùng thành phố. Anh em Kinh tế & Đô thị nơi này vẫn đang tác chiến trên khắp ngõ phố, có màu cờ sắc áo.

Khác với TP Hồ Chí Minh, dân số và địa bàn thành phố bên bờ sông Hàn nhỏ hơn, chính quyền Đà Nẵng và các lực lượng tham gia chống dịch quyết liệt vào cuộc, ý thực chấp hành của người dân tốt nên mọi việc đang nằm trong tầm khống chế. Đà Nẵng đã xét nghiệm diện rộng toàn thành phối, mỗi gia đình 1 đại diện, tình hình chắc sẽ ổn nhanh thôi.

Văn phòng Nghệ An. Trưởng văn phòng Kiều Thế An không phải là người lợi khẩu nhưng tỏ ra nắm chắc tình hình địa bàn. Tính 13/6 đến nay, Nghệ An đã phát hiện 734 trường hợp nhiễm Covid-19; điều trị khỏi cho ra viện và chuyển tuyến trên là 280 bệnh nhân; 01 bệnh nhân tử vong do mắc bệnh nền nặng; hiện đang có 453 bệnh nhân đang điều trị… ổ dịch ở chợ rất phức tạp, lây lan rộng, bùng phát nhanh. Nghệ An đang kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 3 để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Nếu như các phóng viên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lâu nay “chinh chiến” tại các ổ dịch lớn, nhất là Hà Nội, gần 2 năm sống chung với dịch, anh em đã có kỹ năng tự phòng vệ thì Nghệ An, câu chuyện lại mới bắt đầu. Chính vì vậy, Tổng Biên tập tập trung căn dặn nhiều về việc bảo vệ sức khỏe cho anh em, không được lơi là, bởi thực tế cho thấy virus chủng Delta không chừa một ai.

Vĩ thanh

9 giờ 30 cuộc giao ban trực tuyến mới quay bàn về vấn đề chuyên môn dưới sự chủ trì của Tổng Biên tập. Công việc chuyên môn ngổn ngang bởi ngoài việc phải là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân, người dân với Đảng thì hơn 2 thập kỷ nay Kinh tế & Đô thị phải mang được hơi thở cuộc sống Thủ đô lên mặt báo. Tuần này, chúng tôi còn phải chuẩn bị số đặc biệt Quốc khánh 2/9. Nhưng được làm việc trong một tòa soạn như thế, được đi tận cùng những cung bậc cảm xúc một buổi giao ban ngoài kịch bản như thế, chúng tôi thấy hạnh phúc.

Hạnh phúc khi thấy những người đồng nghiệp phía Nam của chúng tôi đã và đang tác nghiệp như một chiến sĩ trên mặt trận báo chí trong một địa bàn mà không được một phút sai lầm. Nói chính xác là nếu trong quá trình tác nghiệp để sai lầm, sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống mình vì dịch bệnh. Chính các anh, chị trong ấy đã truyền cảm xúc cho những người cầm bút chúng tôi đầu Hà Nội, để dấn thân hơn nữa cùng Thủ đô và cả nước vượt qua thời điểm khó khăn này.

Hơn 20 năm cầm bút, đã dự rất nhiều cuộc giao ban chuyên môn, nhưng đây là lần giao ban bất thường để lại tôi nhiều suy nghĩ và đủ mạch con chữ để cầm bút ghi lại. Tôi tin ngót 150 người cầm bút ở Kinh tế & Đô thị cũng có chung cảm xúc về tình đồng nghiệp mùa Covid1-19, và điều đó dấy lên niềm tự hào nghề nghiệp, về sứ mệnh của người cầm bút trong đại dịch lần này.