Đất nền tại ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là những huyện chuẩn bị được nâng cấp thành quận đã chứng kiến nhiều đợt “sốt giá” trong những năm gần đây. Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn cung sản phẩm BĐS trên thị trường khan hiếm, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất... Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển BĐS lớn của Việt Nam, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị…
Hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn, nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng một mét vuông. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng một mét vuông.
Từ đó, xuất hiện nghịch lý: Giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20 - 30 triệu đồng /m2.
Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển BĐS. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này.
Các chuyên gia cho rằng, BĐS là tài sản có giá trị lâu dài và dự báo rằng ở các huyện ngoại thành giá trị BĐS sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi Chính phủ và TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kiện toàn hệ thống hạ tầng. Đầu tư BĐS vẫn là kênh an toàn và có lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay, nếu nhà đầu tư phải đi vay vốn ngân hàng để đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng” sẽ gặp nhiều rủi ro. Ngược lại, nhà đầu tư có nguồn vốn ổn định và kế hoạch dài hạn thì BĐS sẽ là kênh đầu tư tốt.
Chúc chị có quyết định đầu tư hợp lý!