Những thông tin đầu tiên về các thủ khoa không phải là biểu dương những tấm gương hiếu học, những học sinh nghèo vượt khó. Những tin bài đầu tiên về các thủ khoa đại loại như “Thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân là người Sơn La” hay “5/6 thủ khoa Học viện An ninh Nhân dân là người Hòa Bình, Lạng sơn”, rồi “Thủ khoa, Á khoa Học viện Hậu cần hệ quân sự đều là thí sinh ở cụm thi Hòa Bình”… đã cho thấy một cách nhìn, một sự quan tâm khác.
Chuyện không có gì lạ bởi xã hội vừa chứng kiến một vụ việc đáng buồn, một vết nhơ trong lịch sử giáo dục Việt Nam tại kì thi “2 trong 1” năm nay. Vậy là một vụ việc tưởng như đã qua đi, với động thái nhận trách nhiệm có phần khá nhẹ nhàng của ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, với các quyết định khởi tố vụ án của cơ quan thực thi pháp luật, cùng những lời tuyên bố mạnh mẽ của những người có trách nhiệm như sẽ xử lý nghiêm, đúng pháp luật, không có vùng cấm… Vậy mà câu chuyện trở lại ở cái góc ít nghĩ tới nhất, với những người ít trách nhiệm nhất, nếu không nói là vô can trong vụ lùm xùm thi cử vừa qua, ấy là các thí sinh, mà ở đây là các thủ khoa. Việc này gợi mấy điều đáng suy nghĩ . Căn cứ vào cách dư luận và công luận đón nhận, phân tích những thông tin về các thủ khoa năm nay có thể thấy tác hại của những hành vi sai phạm, tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… vừa qua không chỉ ở chỗ ảnh hưởng xấu đến chất lượng kỳ thi, đến sự công bằng giữa các thí sinh… Dù rằng công bằng đã và sẽ được lập lại với sự thẩm định các bài thi như ở Hà Giang và hi vọng là ở cả Sơn La, Hòa Bình. Các thí sinh sẽ nhận lại số điểm mà họ xứng đáng được nhận. Song rõ ràng là có những điều không thể sửa sai hay trả lại một cách hoàn toàn. Chưa nói đến những điều to tát, có tầm vĩ mô như lòng tin của xã hội, cộng đồng mà chỉ nói đến cái được, mất của mỗi thí sinh. Suy cho đến cùng, các thí sinh nói chung, các cháu có bài thi được sửa điểm vô can trong các hành vi tiêu cực. Để xảy ra cơ sự, là do những người nhân danh làm cha, làm mẹ, làm thày… mà “lo” cho chúng theo cái cách tồi tệ của họ. Lẽ ra, với cương vị của mình họ phải dạy dỗ, động viên, chăm sóc cho các cháu để học thật, thi thật theo đúng lực học,… thì họ lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trò gian lận. Mà ai có thể nói chắc rằng động cơ của những trò gian lận ấy hoàn toàn vì các cháu mà không phải vì mưu cầu lợi ích cá nhân.Vô can nhưng hệ lụy mà các cháu phải gánh chịu là không hề nhỏ. Mất mát của các cháu khó mà lấy lại. Sự mất mát có thể thấy ở những góc độ sau. Một là, những cháu có bài thi được sửa điểm, nâng điểm do gian lận. Sự cố về mùa thi này cùng sự lên án, phẫn nộ của cộng đồng sẽ là kí ức xấu với các cháu trước ngưỡng cửa cuộc đời. Đặc biệt là với những cháu có thân phận đặc biệt, tỉ như con, cháu các vị lãnh đạo đã được nêu danh tính trước công luận, dư luận. Hai là, cho đến nay, trong ba địa phương đã được xác định là có gian lận, chỉ mới có Hà Giang là đưa được kết quả các các bài thi trở về điểm gốc. Còn lại ở Sơn La, Hòa Bình, do những thủ đoạn tinh vi, trắng trợn, việc trả lại điểm gốc cho các bài thi được cho là khó khăn, dù với khả năng khoa học công nghệ hiện đại không phải là không thể. Và trước mắt, việc xét tuyển vào các trường đại học vẫn theo điểm số hiện tại, theo đó là việc xác định các thủ khoa. Điều trớ trêu là một số cháu đạt điểm thủ khoa tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Hậu cần quân đội… lại rơi vào những “ vùng trũng” gian lận trong kỳ thi vừa qua. Vậy là thật giả lẫn lộn. Chắc chắn là không ít các cháu trong số đó là những học sinh giỏi, học thật, thi thật. Vậy mà điểm số của các cháu bị đem ra mổ xẻ. Điển hình như thí sinh thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân. Giả dụ, và mong rằng như vậy, khi mọi việc được làm sáng tỏ, cháu là người học thật, thi thật, kết quả với cháu là hoàn toàn xứng đáng thì ai trả lại cho cháu sự công bằng? Và như vậy, đáng ra các cháu phải được hưởng niềm vui của chiến thắng, phải được hân hoan chia sẻ với bạn bè, thày cô, gia đình… thì lại phải chịu sự săm soi, nghi ngờ. Đó là chưa kể sự nghi ngờ của cộng đồng còn hướng vào những thí sinh tại các tỉnh này đã trúng tuyển những năm trước.Rõ ràng có những cái mất đi không thể lấy lại được. Dù Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm, nhưng như một tờ báo có lượng độc giả rất lớn đặt câu hỏi: Bộ tưởng nhận trách niệm, rồi thì sao? Liệu Bộ trưởng và những người có trách nhiệm có trả lại cho các cháu cái cảm giác vỡ òa, thật sự tự hào lúc đón nhận tin vui thi đỗ với danh hiệu thủ khoa? Và khi mọi chuyện đã rõ ràng, ai sẽ là người đứng ra minh oan cho các cháu và trả lại cho các cháu niềm vui, sự tự hào đáng ra phải nhận được ngay từ khi bước chân vào cổng trường đại học mà mình mong ước và đã phấn đấu nỗ lực để đạt được! Đã đến lúc những ồn ào về sự cố trong kỳ thi vừa qua nên khép lại, mọi việc hãy để cho cơ quan chức năng giải quyết. Và chúng ta những người lớn cũng đừng vì thỏa mãn một điều gì đó mà làm những đứa trẻ mất thêm những điều không đáng mất. Bởi như đã nói ở trên, có những điều đã mất đi không bao giờ có thể lấy lại!