Trong khi trái ngược với dự đoán, các nhà đầu tư khối ngoại lại tăng cường bán ròng. Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là kỳ vọng đầu tư dài hạn nhưng cũng cần cẩn trọng với những giao dịch nội bộ để giúp DN vượt qua khó khăn.
Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) trong quý I/2020, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực BĐS ghi nhận sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, từ vị trí thứ 2 về thu hút đầu tư FDI, tụt xuống vị trí thứ 4.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho biết, với việc vốn đầu tư FDI giảm mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng chứng khoán cũng tỏ ra thận trọng hơn. Họ lo ngại về những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và những lỗi lo về suy thoái khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chưa có hồi kết thúc.
Theo thống kê, trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, khối ngoại đã thực hiện bán ròng trên 6.100 tỷ đồng. Trong cả quý I/2020, khối ngoại bán ròng lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 543,6 triệu cổ phiếu. Đầu tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg, quyết định sử dụng gói kinh tế 280.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, thông qua biện pháp giảm, giãn tiền lãi ngân hàng và tiền sử dụng đất.
“Giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát căng thẳng, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN thông qua gói tài chính khoảng 280.000 tỷ đồng, ngay lập tức đã mang đến những động thái tích cực cho thị trường BĐS. Nhiều chủ đầu tư đã tiến hành mua ròng từ nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho cổ phiếu BĐS liên tục tăng trần trong các phiên giao dịch” – ông Thành đánh giá.
Cẩn trọng rủi ro
Theo TS Đoàn Văn Cương – chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), việc đầu tư cổ phiếu trên sàn chứng khoán của các DN BĐS được dựa trên hai yếu tố động lực ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, động lực ngắn hạn là những vấn đề liên quan đến tình hình chính trị - kinh tế vĩ mô, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn tự doanh của các công ty chứng khoán, sự chú ý của đám đông nhà đầu tư và sự thao túng của các giao dịch nội bộ. Động lực dài hạn là những triển vọng phát triển của thị trường, lợi thế cạnh tranh, chính sách tài chính – cổ tức của DN...
“Mặc dù đây là thời điểm khó khăn của thị trường nhưng trong thời gian gần đây cổ phiếu BĐS liên tục tăng trần do những yếu tố mang tính dài hạn. Thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy, nó đã có tác động tích cực đến việc tăng giá cổ phiếu” – ông Cương nhận định.
Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Cương cũng cảnh báo về việc “thao túng” các giao dịch nội bộ, đó là các cổ đông trong DN tiến hành tích trữ cổ phiếu của công ty mình. Điều đó khiến cho giá trị cổ phiếu DN tăng lên. “Các giao dịch trong nội bộ giúp cho giá cổ phiếu tăng nhưng cổ phiếu tăng trưởng theo hình thức này có thể mang lại rủi ro, chỉ cần có sự thay đổi nhẹ trên thị trường về chính sách sẽ khiến cho giá cổ phiếu của DN đó bị giảm mạnh” – ông Cương cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, một trong những triển vọng dài hạn giúp cho cổ phiếu BĐS có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới do yếu tố cung – cầu, trong khi đó nguồn cung sản phẩm trên thị trường BĐS hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn cầu. Nhưng ở thời điểm này, cổ phiếu BĐS tăng là tín hiệu tốt cho thị trường.
"Kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chính sách hỗ trợ DN của Việt Nam là một điểm cộng rất lớn cho thấy Việt Nam an toàn về cả y tế, kinh tế, chính trị. Đây sẽ là nguồn cầu tiềm năng cho thị trường BĐS trong thời gian sắp tới." - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp BĐS, TS Sử Ngọc Khương |