Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu ngân hàng: Sóng gió chưa qua

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực lạm phát gia tăng, biên lợi nhuận (NIM) bị thu hẹp khi mặt bằng lãi suất đi lên… là những nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Giá cổ phiếu CTG của VietinBank sụt giảm mạnh từ đầu tháng 3
Giá cổ phiếu CTG của VietinBank sụt giảm mạnh từ đầu tháng 3

Giá cổ phiếu nhiều “ông lớn” giảm sâu

Trong hơn 1 tháng qua, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng sụt giảm khá mạnh và phải chịu đợt bán mạnh từ đầu tháng 3 đến nay. Một số cổ phiếu như: CTG (VietinBank), OCB (Ngân hàng Phương Đông), SHB (Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội)… giảm tới hơn 10%; MBB (MBBank), TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank)… giảm 8-9%.

Mã SHB của "bầu" Hiển cũng chịu mức giảm mạnh 10% từ đầu tháng 3 đến nay
Mã SHB của "bầu" Hiển cũng chịu mức giảm mạnh 10% từ đầu tháng 3 đến nay

Theo tính toán của các chuyên gia Công ty Chứng khoán VnDirect, trong tháng 2, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng – một trong những trụ cột của thị trường giảm 2,8% so với đầu tháng, trong khi cổ phiếu của các nhóm ngành như: vận tải, thực phẩm, thép… tăng hơn 10% so với đầu tháng.

Hiện trên thị trường quốc tế và trong nước, căng thẳng chính trị - quân sự giữa Nga - Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh, nhưng áp lực lạm phát tăng dần nên lãi suất huy động bắt đầu nhích lên từ đầu năm đến nay tại nhiều ngân hàng. Điều này sẽ làm giảm biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng, từ đó khiến lợi nhuận ngân hàng không như kỳ vọng. Mặt khác, lạm phát tăng cao có thể khiến chính sách tiền tệ phải thắt chặt, tín dụng có thể bị kiểm soát để hạn chế lượng cung tiền, cũng tạo thành tác động xấu tới lợi nhuận.

Trước đó, vào giữa tháng 2, cổ phiếu ngân hàng đã gặp “sóng gió” khi có tin đồn về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất. Dù không xảy ra, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang chìm trong bối cảnh tiêu cực, bởi không chỉ lãi suất, lạm phát mà còn có những khó khăn trong quan hệ thanh toán với các ngân hàng Nga, thách thức nợ xấu gia tăng làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro…

Tuy nhiên, trong nhóm cổ phiếu “vua” này, vẫn có không ít cổ phiếu ngược dòng xu hướng. Ngay phiên đầu tuần này (14/3), trong khi thị trường chìm trong sắc đỏ, một cổ phiếu ngân hàng lại “rực” sắc tím là KLB của Kienlongbank với mức tăng kịch trần 15%. Khối lượng giao dịch của KLB cũng tăng mạnh so với các ngày thông thường, đã đạt hơn 200.000 đơn vị. Trong tuần trước, KLB cũng đã tăng giá 9% dù toàn ngành trong xu hướng đi xuống.

Nguyên nhân do Kienlongbank mới đây đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông ngày 29/3 để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trong tháng 4. Hiện cơ cấu cổ đông của Kienlongbank đã có sự hậu thuẫn lớn của Sunshine Group, với Chủ tịch HĐQT là Trần Thị Thu Hằng, từng là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sunshine Homes. Ông Đỗ Anh Tuấn vừa là Chủ tịch Sunshine Group vừa là Phó Tổng Giám đốc Kienlongbank.

Một cổ phiếu cũng đáng chú ý về diễn biến tăng – giảm mạnh là NVB của Ngân hàng NCB. Trong năm 2021, nhờ bóng dáng “đại gia” ẩn mình, cổ phiếu NVB đã tăng hơn 200% và tiếp tục kéo xu hướng này sang đến tận thời điểm này. Hiện cổ phiếu NVB đã tăng hơn 25% so với hồi đầu năm 2022. Tuy nhiên, đáng lưu ý, đây lại không phải là ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan, khi cả năm 2021, NCB chỉ lãi 2,3 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận luỹ kế 9 tháng đạt hơn 205 tỷ đồng, bởi ngân hàng này ghi nhận mức lỗ đến 203,2 tỷ đồng vào quý 4/2021.

Cơ hội “gom hàng”?

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP AzFin Việt Nam cho rằng, giá cổ phiếu có thể tăng trưởng bằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20-25%. Tuy nhiên, 2022 vẫn là một năm khá “êm đềm” với cổ phiếu ngành này, không có nhiều “câu chuyện” giúp đẩy giá cổ phiếu tăng bằng lần như năm 2021, nhưng những thông tin liên quan đến bán vốn, tăng vốn, chia cổ tức cao… có thể tạo ra những “con sóng” ngắn hạn.

Thực tế, khoảng một tháng gần đây, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng vẫn được khối ngoại mua ròng. Một số cổ phiếu được nhà đầu tư săn đón như: VIB, VPB, TCB, OCB…, khiến một số ngân hàng còn lâm vào tình trạng gần hết room ngoại. Thời điểm này, mùa ĐHĐCĐ sắp đến có thể giúp cổ phiếu ngân hàng “lên hương”.

Theo đó, những thông tin về đội ngũ lãnh đạo cấp cao, tìm kiếm đối tác chiến lược… đã giúp cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng hé lộ kế hoạch chia cổ tức khủng, như: MSB dự định chia cổ tức 30%, OCB dự kiến duy trì mức 20-25% cho cổ đông; BIDV (BID) và Vietcombank (VCB) có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn… Ngoài ra, một số thông tin như VPBank (VPB) đang hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho đối tác nước ngoài, VietinBank (CTG) thoái vốn khỏi công ty con, MB (MBB) đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược cho các công ty thành viên… cũng được dự báo sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng tăng giá.

Thống kê cho thấy lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết đạt 146.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 33% so với năm 2020, chủ yếu nhờ nguồn thu nhập lãi vay và phí dịch vụ. Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng mức độ phân hóa rõ rệt, với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% gồm: BIDV, MBBank, Techcombank, ACB, TPBank, MSB, nhưng dự phòng rủi ro cũng cao hơn.

Ngoài ra, theo ý kiến nhiều chuyên gia, điểm tích cực là định giá cổ phiếu ngân hàng đang về vùng hấp dẫn. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng còn tăng trưởng tốt thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là tài sản có sự tăng trưởng và là cổ phiếu tiềm năng để nắm giữ.