Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân thành lập theo Quyết định số 168-2020/QĐ-HKHTLGDVN ngày 03 tháng 09 năm 2020 của Hội Khoa học Tâm Lý - Giáo dục Việt Nam. Ngày 21 tháng 09 năm 2020, Trung tâm Ngọc Ân đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động theo chứng nhận đăng ký số A-2282.
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân đã xây dựng Hệ thống giáo dục đặc biệt với mô hình giáo dục toàn diện từ giáo dục can thiệp sớm, hỗ trợ hòa nhập đến giáo dục kỹ năng sống, thực nghiệp hướng nghiệp và kết nối với các tổ chức, cá nhân tạo việc làm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người rối loạn phát triển, yếu thế trong xã hội.
Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã triển khai 5 cơ sở giáo dục đặc biệt cho trẻ rối loạn phát triển và người yếu thế trong xã hội từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam. Trung tâm áp dụng phương pháp kết hợp hài hòa giữa y tế - giáo dục - gia đình trong quá trình giáo dục đặc biệt đối với mỗi học viên góp phần chung tay cùng các gia đình hỗ trợ trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và người yếu thế trong xã hội trên khắp mọi miền đất nước.
Cơ sở Giáo dục Đặc biệt Đức Tâm (19 Hồ Tùng Mậu, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) hoạt động trong các lĩnh vực: sàng lọc, đánh giá phát triển; can thiệp sớm, giáo dục tiền tiểu học, hỗ trợ giáo dục hòa nhập; thực nghiệm hướng nghiệp cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Ngay sau khi khai trương cơ sở tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều phụ huynh đã tìm đến đăng ký để khám sàng lọc cho trẻ nhỏ. Chị Lê Thị Chung, xã Hoà An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có con trai sinh năm 2018 chia sẻ: “Hiện cháu đang đi học Mần non nhưng thường có biểu hiện thiếu tập trung, hay làm theo ý thích của mình. Vì vậy sau khi nắm được thông tin có Cơ sở giáo dục đặc biệt Ngọc Ân mở tại Đắk Lắk, vợ chồng tôi đã chở cháu lên đây để khám sàng lọc, kiểm tra và nhờ giáo viên Trung tâm tư vấn để có phương pháp hỗ trợ cháu trong phát triển thể chất, tinh thần và học tập”. Phụ huynh Từ Thị Thành, đến từ xã Hoà Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Hiện con gái của chị đã hơn 2 tuổi nhưng cháu ít nói, thường xuyên đòi xem điện thoại ti vi. Mặc dù gia đình đã tìm nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa cải thiện được ngôn ngữ của cháu. Gia đình mong muốn đến đây để các giáo viên trung tâm hướng dẫn giúp cháu cải thiện thêm các kỹ năng. Tôi và nhiều phụ huynh rất vui khi có thêm cơ sở giáo dục đặc biệt này để các cháu được khám sàng lọc sớm”.
Với phương châm hoạt động: Chân - Thiện - Mỹ - Hòa, giáo dục tri thức, giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng hướng tới môi trường giáo dục đặc biệt như một mái nhà ấm áp, tràn đầy yêu thương để các thầy cô giáo dục đặc biệt được phát huy chuyên môn, năng lực của mình và lan tỏa tình yêu thương đến các trẻ thiếu may mắn, gặp nhiều thiệt thòi.
Bà Đào Thanh Hoàn - Nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân chia sẻ: Trong thời gian qua Trung tâm đã nghiên cứu thành công và triển khai mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho người tự kỷ, khuyết tật với nghề thủ công sắp lễ, làm oản nghệ thuật và đưa vào ứng dụng giúp người khuyết tật, tự kỷ được học tập suốt đời và có việc làm tạo thu nhập ổn định. Mô hình này đã được Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 0299/2023/QTG ngày 10/01/2023, được Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tặng Giấy khen, Bằng khen cho tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tri thức tâm lý học và giáo dục học cho trẻ rối loạn phát triển năm 2022.