KTĐT - Con trai của nhà lãnh đạo lâu năm ở Guinea Xích đạo vừa đặt hàng một chiếc siêu du thuyền trị giá 380 triệu USD, gấp ba lần số tiền đất nước này chi cho y tế và giáo dục mỗi năm.
AP dẫn báo cáo của tổ chức giám sát tham nhũng Global Witness hôm nay cho biết công ty Đức Kusch Yachts đã nhận được đơn đặt hàng của con trai ông Teodorin Obiang. Du thuyền này dự định sẽ có một rạp chiếu phim, nhà hàng, quán bar, và bể bơi. Hiện công ty chưa bắt đầu chế tạo du thuyền trên.
Phát ngôn viên của chính phủ Guinea Xích đạo khẳng định thông tin về việc đặt làm du thuyền, tuy nhiên họ nói thêm rằng con trai tổng thống đã từ bỏ ý định mua nó. Thông báo còn cho biết nếu đơn hàng này được thực hiện, con trai ông Obiang sẽ mua nó bằng tiền từ các hợp đồng kinh doanh bên ngoài chứ không phải tiền tham nhũng.
Con trai Tổng thống Obiang giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp Guinea Xích đạo với lương tháng là 6.799 USD. Ông này sở hữu một lâu đài giá 35 triệu USD ở Mỹ, một phi cơ giá 33 triệu USD và một đoàn xe sang trọng.
Tổng thống Obiang lên nắm quyền sau cuộc bạo động đẫm máu năm 1979. Forbes ước tính tài sản của ông này là 600 triệu USD. Obiang được cho là rất muốn con trai kế nhiệm mình.
Trước tòa án Nam Phi năm 2006 về việc sở hữu lâu đài sang trọng ở Cape Town, Obiang cho hay các quan chức trong chính phủ Guinea Xích đạo được phép hợp tác với các công ty nước ngoài để đấu giá trong các thương vụ làm ăn với chính phủ. Điều đó có nghĩa các bộ trưởng thường thu về nhiều tiền từ những hợp đồng này.
Đất nước Tây Phi nhỏ bé này có thể giàu dầu mỏ, song Liên Hợp Quốc cho biết 20% trẻ em nước này tử vong trước khi lên 5 tuổi và độ tuổi trung bình của dân chúng là 50. Theo Wikipedia, dân số Guinea Xích đạo năm 2009 là 670.000 người; có 70% dân số sống dưới mức nghèo khổ 2 USD/ngày.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong một báo cáo nhân quyền chỉ trích việc tra tấn tù nhân ở Guinea Xích đạo.
Trong lúc này, một nhà hoạt động tên là Juan Tomas Avila Laurel đã tuyệt thực đến ngày thứ 17 để đòi công lý cho dân chúng Guinea Xích đạo. Anh được gợi cảm hứng bởi các cuộc nổi dậy lật đổ các nhà cầm quyền lâu năm ở Ai Cập, Tunisia và nay ở Libya.
Hôm 11/2, khi bắt đầu tuyệt thực, Avila Laurel đã bỏ tới Barcelona, Tây Ban Nha, do lo ngại về sự an toàn của bản thân. Anh nằm trong số một phần ba dân số nước này phải sống lưu vong.