Nhiều ý kiến cho rằng, condotel (căn hộ khách sạn) cũng là một loại hình bán nhà trên giấy giống như các dự án nhà ở khác thế nhưng lại không tuân thủ quy định của pháp luật.
Bán nhà nhưng không có bảo lãnh ngân hàng
Các chuyên gia cho rằng, sự việc xảy ra tại dự án Cocobay Đà Nẵng là sự “sụp đổ” đã được báo trước, nhưng vì ham lợi nhuận nên người dân – là những nhà đầu tư thứ cấp đã phải nhận "quả đắng" bởi sự nhập nhằng về tính pháp lý đối với condotel, cùng kế hoạch đưa khách hàng vào “tròng” đã được tính toán trước của chủ đầu tư.
Khi xảy ra sự việc, người dân bị rơi vào tình cảnh “trở đi mắc núi – trở về mắc sông”. Cụ thể, cùng với nội dung thông báo dừng chi trả lợi nhuận theo cam kết, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng đã cho khách hàng của mình được lựa chọn 3 giải pháp để tự cứu lấy bản thân: Nếu tiếp tục đồng hành cùng chủ đầu tư sẽ được chuyển căn hộ condotel thành căn hộ chung cư, nhưng phải đóng thêm 15% phí chuyển đổi theo giá mua hợp đồng đã ký; Thanh lý hợp đồng bàn giao cho chủ sở hữu để tự kinh doanh, sử dụng và chuyển nhượng, nhưng phải đóng phí theo quy chế của chủ đầu tư; Thanh lý hợp đồng và chủ sở hữu được nhận lại tiền gốc sau khi trừ các chi phí: Hỗ trợ vay ngân hàng, hoa hồng đại lý, phát hành bảo lãnh...
Ông Vũ Quang Vinh – Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, sự việc của dự án Cocobay Đà Nẵng đã cho thấy sự bất cập về phương thức thu hút đầu tư. Trong đó, các chủ đầu tư là những người nắm thế chủ động hoàn toàn, còn người dân - nhà đầu tư do quá ham mê lợi nhuận đã “phó mặc” tài sản của mình vào cuộc chơi mà không tìm hiểu kỹ thông tin cũng như quy định của pháp luật.
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, condotel cũng là một loại hình bán nhà trên giấy giống như các dự án nhà ở khác, mà theo quy định của pháp luật, đã bán nhà trên giấy thì phải có bảo lãnh của ngân hàng, khi chủ đầu tư không thể thực hiện được nữa, ngân hàng sẽ phải đứng ra để xử lý. “Nhưng trên thực tế, các dự án condotel đều không có sự bảo lãnh này, về nguyên tắc. Và khi bán nhà trên giấy mà không có sự bảo lãnh của ngân hàng là hình thức kinh doanh trái pháp luật” – Luật sư Thơm cho hay.
Hệ lụy khôn lường
Đến thời điểm hiện tại, sau khoảng 10 năm du nhập và phát triển tại Việt Nam, khung pháp lý về sản phẩm condotel vẫn chưa được xây dựng. Trong đó, vấn đề lớn nhất đó là chính sách đất đai. Theo chuyên gia Vũ Quang Vinh, giờ đây rất nhiều khách hàng muốn tẩy chay và họ không muốn đưa tiền vào để đầu tư condotel nữa. Như vậy nó sẽ dẫn đến nguy cơ về sự “sụp đổ” có hệ thống đối với dòng sản phẩm này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến toàn cục diện của thị trường BĐS.
“Không chỉ condotel, mà rất nhiều dự án nhà ở cũng đang thực hiện theo hình thức huy động vốn, nếu như người dân tẩy chay toàn bộ những dự án mà các chủ đầu tư thực hiện theo hình thức này thì nó sẽ làm cho thị trường bị đình trệ, BĐS bị đóng băng sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác và kinh tế sẽ bị suy giảm” – ông Vinh nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để có thể thao gỡ những khó khăn cho sản phẩm Condotel, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, trong đó không chỉ là chế độ sử dụng đất, quản lý condotel thế nào mà cả chuyện condotel có được mua bán căn hộ trên giấy không? Việc mua bán căn hộ trên giấy thì phải được ngân hàng bảo lãnh như thế nào?… tất cả phải xem xét là một khung pháp luật nghiêm chỉnh đối với hình thức phát triển BĐS condotel.
"Trong thời điểm hiện tại khi các khung pháp lý chưa rõ ràng, thì chủ đầu tư cần phải đưa condotel vào nhóm sản phẩm đã được pháp luật quy định, ví dụ đưa nó về với mô hình căn hộ để bán hoặc đưa nó trở thành khách sạn để kinh doanh... khi sự việc không thể kiểm soát thì cả chủ đầu tư và người dân đều bị ảnh hưởng." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Đức Tuyên |