Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố dịch Covid-19 toàn quốc: Mở hành lang pháp lý để chống dịch hiệu quả

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc thể hiện sự cương quyết của Chính phủ dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng, bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; cúm A-H5N1; dịch hạch; đậu mùa; sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; sốt Tây sông Nin; sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
 Kiểm tra, theo dõi sức khỏe hàng ngày của người cách ly tại ký túc xá Đại học FPT
Theo các chuyên gia pháp luật, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện mức độ nghiêm trọng, khả năng lây lan và phát tán nhanh dịch bệnh trong cộng đồng, lan rộng đến nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Đây cũng thể hiện sự cương quyết của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch nguy hiểm. Đồng thời, đây còn là tiền đề cho việc ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết, theo Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền năm 2007.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy nhận định, việc công bố dịch sẽ mở ra hành lang pháp lý để thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả hơn, các địa phương sẽ phải đầu tư đúng mức cho hoạt động dập dịch, phòng chống dịch hơn, như chi tiêu ngân sách, mua sắm thiết bị y tế, hoặc có hành động quyết liệt hơn như cách ly toàn xã hội, phong tỏa TP… tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, người dân phải tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch của Nhà nước, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và cộng đồng.
Ngoài ra, người dân phải tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu DN, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, Thủ tướng đã có quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc nên Nhà nước được áp dụng một số biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch. Cơ quan Nhà nước được quyền đưa ra một số biện pháp để thắt chặt quản lý, thắt chặt theo dõi, giám sát bệnh nhân, cách ly y tế. Với quyết định công bố dịch trên toàn quốc, người dân phải tuân theo những yêu cầu của Thủ tướng nêu trong Chỉ thị. Trong trường hợp vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 hoặc xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.