Biểu đồ mật độ doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động của các địa phương. Nguồn: TCTK |
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động; doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cả nước và địa phương. Đặc biệt, 3 năm qua kể từ năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều đạt trên 100.000 doanh nghiệp.
Trong số 63 tỉnh, TP trên cả nước có 26 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm nêu trên so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước là: Bình Dương, Bắc Giang, Sóc Trăng, Bắc Ninh...
Năm 2018, bình quân cả nước có 14,7 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân số trong độ tuổi lao động. 8/63 địa phương có mật độ doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 lao động trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước là: TP Hồ Chí Minh (54,4 doanh nghiệp), Hà Nội (41,1 doanh nghiệp); Đà Nẵng (38,6 doanh nghiệp)...
Khu vực doanh nghiệp nhà nước (bao gồm công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn Nhà nước lớn hơn 50%, doanh nghiệp khu vực nhà nước bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1,2,3,4) có 2.486 doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, chiếm 0,4% số doanh nghiệp cả nước, giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, chiếm 96,7% số doanh nghiệp cả nước; khu vực FDI có 16.178 doanh nghiệp, chiếm 2,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 15,5%.
Sách trắng doanh nghiệp cũng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%).
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Lễ công bố Sách trắng doanh nghiệp 2019 |
Tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cũng như các Hiệp hội, nhà đầu tư có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương. Từ đó giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề xuất cần có thêm sự so sánh giữa những chỉ tiêu với quy mô của khu vực và thế giới. Ví dụ, quy mô doanh nghiệp trên 1.000 người trong độ tuổi lao động tại từng địa phương, cần có sự so sánh để biết mức độ trung bình 14,7 doanh nghiệp trên 1.000 người của Việt Nam "là cao hay thấp, có cần cải thiện hay không so với khu vực và thế giới". Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng đề nghị Tổng cục Thống kê xây dựng bộ chỉ tiêu chung để đưa ra một bảng xếp hạng tổng thể.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ KH-ĐT để Sách trắng có thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời; phân tích, đánh giá kỹ số liệu trong sách để có có chiến lược phát triển phù hợp.
Ấn phẩm Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 dự kiến xuất bản trên trang thông tin điện tử của Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê vào ngày 22/7 và phát hành bản in vào ngày 1/8.