Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghệ Blockchain: Nền tảng phát triển kinh tế số

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập, blockchain (công nghệ chuỗi khối) được coi là dẫn dắt công nghệ, có thể giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực Việt Nam còn non yếu như dịch vụ logistics hay truy xuất nguồn gốc nông sản.

 Khi áp dụng công nghệ blockchain vào nông sản có thể truy rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Khắc Kiên
Lợi thế cho nông sản
Blockchain đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, thậm chí, khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WWF) còn đưa ra dự báo đến năm 2025, 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây vẫn là khái niệm mới và định nghĩa về Blockchain cũng rất đa dạng. Theo Tổng Giám đốc QRC Group Adam Vaziri: “Blockchain là một cuốn sổ cái mở và phân tán thông tin. Hay nói cách khác đây là kho dữ liệu mà tất cả các thành viên trong hệ thống sở hữu thông tin giống nhau. Mỗi máy tính sẽ trở thành một máy chủ, các dữ liệu được đồng bộ hóa trên toàn hệ thống khi có bất kỳ thay đổi nào".
Sự phát triển của khoa học công nghệ tác động lên hệ thống chính trị thế giới, trong đó, công nghệ blockchain được dự đoán sẽ dẫn dắt công nghệ tương lai. Với tiềm năng lớn của công nghệ này, nhiều quốc gia đã nghiên cứu ban hành chính sách để thúc đẩy phát triển. Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cần theo dõi khuyến khích, để đưa ra chính sách pháp luật nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. 

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình
Phó Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) Bùi Minh Cần cho biết, DN đang có gần 100 ha xoài, 100% sản lượng tiêu thụ trên thị trường đều được dán tem thương hiệu nhưng vẫn bị làm giả... Giải bài toán này, HTX Xoài Mỹ Xương đã ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc bằng việc gắn tem có mã QR Code. “Người tiêu dùng có thể mở ứng dụng Zalo hoặc các ứng dụng khác có kết nối Internet quét mã QR Code gắn trên quả xoài. Khi đó các thông tin về sản phẩm được hiện ra với nội dung nguồn gốc sản phẩm ở đâu, sản xuất áp dụng tiêu chuẩn gì, ngày sản xuất, số ngày đã xuất bán…” - ông Cần nói. Đồng thời cho rằng, người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm do nắm được toàn bộ quy trình cho ra quả xoài, từ canh tác, chăm bón, quá trình vận chuyển, thời hạn sử dụng...

Giám đốc chiến lược IBL (Infinity Blockchain Lab) Đỗ Văn Long cũng cho rằng, ứng dụng blockchain sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. Riêng về khâu trung gian, khi có vấn đề xảy ra đối với sản phẩm, nhà sản xuất hoặc những đơn vị liên quan hoàn toàn có thể công khai hóa, minh bạch hóa, xác định rõ trách nhiệm thuộc về khâu nào trong hệ thống.

Đẩy mạnh ứng dụng

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực kinh tế, coi đây là một trong những công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số. Để công nghệ này thực sự đi nhanh vào cuộc sống, Việt Nam cần có các chính sách thông thoáng và rõ ràng.

Bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Nguyễn Hữu Tuấn cho biết: "Để thúc đẩy phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam, trước hết, phải phổ biến, tuyên truyền, đào tạo chuyên sâu để hiểu đúng về blockchain. Từ cấp lãnh đạo đến đơn vị ứng dụng phải hiểu đúng bản chất công nghệ này". Bên cạnh đó, Việt Nam phải có các chính sách thúc đẩy, khuyến khích ứng dụng blockchain trong một số lĩnh vực có tiềm năng lớn. Đồng thời, phải khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển các ứng dụng sản xuất trong nước và thúc đẩy ứng dụng blockchain trong triển khai Chính phủ điện tử. Ngoài ra, nghiên cứu và đưa ra giải pháp ưu đãi hỗ trợ các DN thúc đẩy phát triển trên nền tảng blockchain.
DN không phải chi trả tiền để mua ứng dụng blockchain. Phát triển ứng dụng blockchain là câu chuyện về chia sẻ chi phí từ DN cho đến người dùng và các cơ quan quản lý. Điều quan trọng là cần có nguồn lực lớn không những từ phía DN, mà các bộ, ngành và cơ quan làm chính sách cũng phải đưa ra những quy định và khung chuẩn nhất định.

Trưởng ban Pháp chế IBL Nguyễn Huỳnh Phương Thảo