Hiện, chưa rõ kết quả chính xác của cuộc trưng cầu dân ý, nhưng sự kiện này một lần nữa cho thấy, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga với Mỹ và phương Tây trong không gian hậu Xô viết chưa bao giờ kết thúc.
Hành động và phản ứng gay gắt của Nga và phương Tây trong cuộc khủng hoảng tại "điểm nóng" Crimea là minh chứng điển hình về các thời kỳ của cuộc chiến tranh chiến lược.
Ngay trước thời điểm mang tính quyết định của Crimea, ngày 15/3, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) xem cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là phi pháp. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng, bản dự thảo đã "đi ngược lại một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc được ghi trong Điều 1 của Hiến chương LHQ". Phương tiện truyền thông Nga cũng cho rằng, trong khi phương Tây lên án cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã đi ngược lại với hành động "làm ngơ" hoặc thậm chí ủng hộ của lục địa già đối với các hành động tương tự. Đơn cử như cuộc trưng cầu ở Kosovo, thuộc Serbia năm 2006; Cuộc trưng cầu Nam Sudan tách khỏi Sudan năm 2011; Chính phủ Anh tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế của quần đảo Malvinas năm 2013 mà kết quả là 98,8% dân ở quần đảo ủng hộ ở lại với Anh.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, Nga với Mỹ và phương Tây đối đầu nhau trong vấn đề ủng hộ - phản đối một khu vực tự trị đòi ly khai. Cách đây ít lâu, Nga và phương Tây đã 2 lần đứng ở thế đối đầu trong việc ủng hộ hay phản đối các vùng đất tự trị Kosovo và Nam Ossetia tuyên bố độc lập. Câu chuyện đơn phương tuyên bố độc lập của 3 vùng tự trị là Crimea, Kosovo và Nam Ossetia đều có đặc điểm chung là quyền tự quyết của các khu tự trị. Nhưng điều khiến cách tiếp cận trong hồ sơ Crimea trở nên khác biệt là, bán đảo Crimea vốn là một phần thuộc lãnh thổ Liên bang Nga, trong khi Kosovo hay Nam Ossetia lại là "sản phẩm" của các cuộc chiến tranh. Vì thế, dù cuộc khủng hoảng ở Ukraine nói chung và ở Crimea nói riêng có đẩy quan hệ Nga - phương Tây lên một mức độ căng thẳng mới thì tình trạng đối đầu này sẽ không thể kéo dài và rất khó tái diễn một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong kỷ nguyên các quốc gia vừa là đối thủ vừa là đối tác, Nga và phương Tây có thể cạnh tranh gay gắt hơn, hợp tác ít hơn tại Ukraine, nhưng ở nơi khác hai bên có thể hợp tác nhiều hơn, cạnh tranh giảm bớt. Và dù sớm hay muộn, khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine được dàn xếp, căng thẳng Nga - phương Tây sẽ "hạ nhiệt" và các nước từ thế đối đầu vẫn phải hợp tác với nhau.
|
Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea cho biết, sẽ phê chuẩn kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý dân vào lúc 15 giờ ngày 17/3 (theo giờ Việt Nam). |