Ngày 19/7, Giám đốc điều hành (CEO) CrowdStrike George Kurtz vừa lên tiếng xin lỗi vì sự cố sập hệ thống máy tính toàn cầu, gây gián đoạn cho hàng loạt ngành công nghiệp lớn từ hàng không, ngân hàng đến y tế.
“Đây không phải là sự cố bảo mật hay tấn công mạng. Vấn đề đã được xác định, khoanh vùng và bản sửa lỗi đã được triển khai. Chúng tôi vô cùng xin lỗi về những tác động mà chúng tôi đã gây ra cho các khách hàng và bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi sự việc này, trong đó bao gồm cả công ty của chúng tôi” - ông Kurtz trả lời trên đài NBC News.
“Có thể sẽ mất một khoảng thời gian để một số hệ thống không tự động có thể phục hồi. Tuy nhiên, công ty của chúng tôi đảm bảo phần mềm của mọi khách hàng đều sẽ được khôi phục hoàn toàn” - CEO của CrowdStrike nói thêm.
Trong khi đó, bà Ann Johnson, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tuân thủ và bảo mật của Microsoft cho biết, quy mô của sự cố máy tính toàn cầu rất lớn, song chỉ ảnh hưởng đến các hệ thống đang chạy phần mềm của CrowdStrike. “Chúng tôi hiện có hàng trăm kỹ sư đang làm việc trực tiếp với CrowdStrike để khắc phục sự cố sớm nhất có thể”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sẽ tiếp tục xảy ra những sự cố tương tự trong tương lai trừ khi các công ty công nghệ thực hiện các phương án dự phòng.
Chuyên gia phân tích cao cấp về phần mềm Gil Luria tại D.A. Davidson nói với hãng tin Reuters: “CrowdStrike và Microsoft sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo rằng họ sẽ không cho phép các hệ thống và sản phẩm phần mềm khác xảy ra lỗi này trong tương lai”.
Công ty phần mềm an ninh mạng CrowdStrike chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật dựa trên dịch vụ đám mây cho các doanh nghiệp.
Sự cố công nghệ thông tin (IT) toàn cầu nghiêm trọng liên quan đến công ty an ninh mạng CrowdStrike và Microsoft đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành hàng không, y tế, ngân hàng, truyền thông trên toàn thế giới trong ngày 19/7.
Đây được xem như một trong những sự cố IT lớn nhất trong những năm gần đây, do bản cập nhật của một chương trình diệt virus. Microsoft cho biết sự cố ảnh hưởng đến người dùng Windows đang chạy phần mềm an ninh mạng CrowdStrike Falcon.
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự cố trên, do hệ thống máy tính của các sân bay trên toàn cầu bị đình trệ, dẫn đến các chuyến bay bị trễ giờ.
Từ Amsterdam đến Zurich, Singapore đến Hồng Kông (Trung Quốc), các nhà điều hành sân bay đã nêu bật các vấn đề kỹ thuật đang làm gián đoạn dịch vụ của họ. Trong khi một số sân bay dừng tất cả các chuyến bay, thì ở những sân bay khác, nhân viên hãng hàng không phải làm thủ tục cho hành khách theo cách thủ công.
Theo công ty phân tích hàng không Cirium, khoảng 5.000 chuyến bay trên toàn cầu đã bị hủy trong số hơn 110.000 chuyến bay thương mại theo lịch trình vào ngày 19/7.
Các hãng hàng không lớn của Mỹ bao gồm American Airlines, Delta Airlines và United Airlines đã buộc phải hoãn các chuyến bay do gặp sự cố về liên lạc. Theo dịch vụ theo dõi chuyến bay FlightAware, Delta Airlines là một trong những hãng hàng không của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải hủy 20% số chuyến bay.
Tại Anh, Đài truyền hình Sky News cũng đã ngừng phát sóng sau sự cố máy tính.
Các ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính trên thế giới đã cảnh báo khách hàng về sự gián đoạn. Trong khi đó, các nhà đầu tư trên các thị trường tài chính toàn cầu không thực hiện được giao dịch. Các công ty bảo hiểm có thể phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu bồi thường do gián đoạn hoạt động kinh doanh.