Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục Chăn nuôi công bố còn tồn đọng khoảng 200.000 tấn thịt lợn hơi

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo nhanh của các địa phương, hiện còn một lượng lợn thịt trọng lượng từ 100 – 150kg/con tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi ước tính tương đương 200.000 tấn thịt hơi.

Ngày 17/5, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) tổ chức hội nghị giao ban thảo luận các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
 Hội nghị giao ban thảo luận các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, từ tháng 2/2017 giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh, đến thời điểm tháng 3 và tháng 4/2017, giá giảm xuống mức 25.000 đồng/kg. Thậm chí có những ngày giá còn xuống dưới mức 20.000 đồng/kg ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc, thấp nhất trong 10 năm qua. Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2017, giá do người chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô nhỏ có nơi chỉ bán được khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng, mỗi con lợn có thể lỗ từ 1 - 1,5 triệu đồng. Số lượng lợn được tiêu thụ không tăng trong khi còn một số lượng lợn tương đối lớn tồn trong các trang trại, cơ sở chăn nuôi. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, hiện còn một lượng lợn thịt trọng lượng từ 100 – 150kg/con, tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi ước tính tương đương 200.000 tấn thịt hơi.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, đa phần người chăn nuôi dù nuôi nhỏ lẻ hay nuôi quy mô trang trại thì vẫn tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn cho tới khi xuất bán ra thị trường thông qua thương lái. Cách làm này đang dần bộc lộ nhiều yếu kém trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Nghịch lý ở đây là dù giá bán tại chuồng, cổng trại xuống rất thấp nhưng giá bán thịt lợn tại các chợ, siêu thị đến tay người tiêu dùng thì vẫn duy trì ở mức cao (chỉ giảm khoảng 10 - 15% so với lúc giá lợn hơi cao, tương đương khoảng từ 70.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại thịt), có nghĩa là người tiêu dùng không mua được thịt giá rẻ, người chăn nuôi bán lỗ vốn trong khi phần chênh lệch được thương lái, khâu lưu thông trung gian hưởng. Nghịch lý này chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi chuyển dần từ cách làm truyền thống sang chăn nuôi với quy trình khép kín từ sản xuất cho tới cung ứng, tham gia chuỗi liên kết, đảm bảo yêu cầu về ATTP, vệ sinh thú y như ở Lào Cai, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...

Trong bối cảnh khủng hoảng chăn nuôi lợn và giá thịt lợn thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản phối hợp với địa phương chỉ đạo tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đã tổ chức các đoàn công tác sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và các cơ quan chức năng liên quan để thúc đẩy tiến trình đàm phán đưa một số sản phẩm nông sản của Việt Nam vào danh mục nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là mặt hàng thịt lợn. “Phía bạn đã thống nhất sẽ tiến hành các bước liên quan để đưa thịt lợn vào danh mục nói trên, hiện nay cơ quan Thú y của hai nước đang gấp rút triển khai thực hiện” – ông Trọng cho biết.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã tích cực, khẩn trương vào cuộc triển khai giải pháp tháo gỡ và ổn định phát triển chăn nuôi. Đơn cử như tại Đồng Nai tổ chức 11 điểm thu mua lợn tập trung với giá khảng 30.000 – 31.000 đồng/kg và bán sản phẩm thịt với mức ổn định trung bình từ 55.000 – 60.000 đồng/kg. Công ty CP Tập đoàn Dabaco tăng cường thu mua lợn thịt thương phẩm của người dân, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương đã thu mua giết mổ khoảng 20.000 con lợn thịt, Công ty Thực phẩm Xanh Hà Nội có kế hoạch tiêu thụ 25.000 tấn với các loại lợn trên 120kg/con.

Về giải pháp thời gian tới, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương tham gia vào thị trường điều tiết giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm, thực hiện tốt khâu kết nối và tận dụng mọi cơ hội để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trước mắt, các tỉnh, TP cần có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi.