Tuy nhiên, để khắc phục tồn tại của các chuỗi thực phẩm đòi hỏi ngành nông nghiệp Hà Nội phải sớm đổi mới hoạt động cung cấp DVC.
Nhiều vướng mắc
Theo Sở NN&PTNT, Hà Nội có lượng tiêu thụ sản phẩm thịt lợn lớn khoảng 1.000 tấn/ngày, trong khi đó, các cở sở chăn nuôi của TP mới cung cấp được 60%, còn lại phải nhập từ các địa phương khác.
Hà Nội cũng đã xây dựng được 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (ATTP) từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật, còn lại là thực vật. Do đó, việc cung cấp những giấy tờ cần thiết cho chuỗi thực phẩm thông qua chứng nhận hợp quy, chứng nhận an toàn dịch bệnh, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xác nhận kiến thức về ATTP, kiểm nghiệm... đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, hiện nay việc cung cấp DVC cho phát triển chuỗi thực phẩm trên địa bàn TP vẫn còn không ít vướng mắc.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, nguyên nhân là do nông dân sản xuất theo tập quán cũ, khi chuyển sang tư duy sản xuất kinh doanh theo chuỗi còn lạ lẫm. Đặc biệt, việc người dân tới các cơ quan quản lý Nhà nước làm thủ tục hành chính để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, truy xuất nguồn gốc xuất xứ chưa thành nếp. Người dân cũng chưa sẵn sàng trả phí cho các DVC. Hơn nữa, tiêu chuẩn cho mỗi loại sản phẩm khác nhau nên nảy sinh thủ tục rườm rà, tốn kém, trong khi lợi nhuận các mặt hàng thực phẩm còn thấp.
Ngoài ra, hiện nay còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, trong khi đó nhận thức của các tác nhân tham gia chuỗi còn hạn chế, nhất là sự tham gia của DN vào cung cấp DVC chưa được chú trọng. Đáng nói, vẫn còn trường hợp một số cán bộ khi cung cấp DVC còn chưa chuyên nghiệp, gây khó khăn cho các hợp tác xã, người dân.
Chuyển từ “cho không” sang “thu phí”
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đổi mới trong cung cấp DVC. Cụ thể là chuyển từ cấp các loại giấy phép hành chính công sang tư vấn, chứng nhận hoàn thiện những điều kiện sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuỗi sản xuất tiêu thụ cho những tổ chức tư vấn chứng nhận được Nhà nước chỉ định.
Đặc biệt là cải thiện phương thức cung cấp DVC chuyển từ "cho không" sang "thu phí" nhưng cần đa dạng hóa hình thức cung cấp DVC. Nhà nước, tư nhân và đối tác công tư sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển các chuỗi giá trị thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đánh giá, lựa chọn khâu then chốt của các chuỗi để Nhà nước tác động, cung cấp dịch vụ nhằm gia tăng giá trị cho người dân, DN tham gia chuỗi thực phẩm. Theo đó, giai đoạn trước mắt, khi chưa có đơn giá cụ thể về DVC thì các bên cần có sự thỏa thuận, thống nhất giữa đơn vị cung cấp và đơn vị hưởng lợi từ các DVC này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các hợp tác xã, DN cần đánh giá những ưu điểm và bất cập của từng loại DVC được cung cấp để các cơ quan quản lý Nhà nước từng bước điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
“Nhằm đổi mới hoạt động cung cấp DVC, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đánh giá chất lượng” – ông Tường nhấn mạnh.
"Việc chứng nhận hoàn thiện những điều kiện sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cần triển khai đồng bộ từ khâu chăn nuôi, sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm trong khâu tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc xuất xứ bảo đảm khép kín." - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang |