Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cùng khám phá "siêu nhà tù" Thụy Điển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nguyên tắc chung của các “siêu nhà tù” này là phạm nhân không được tiếp xúc với lính canh, quản giáo và cũng rất hiếm khi có dịp nói chuyện cùng nhau.

KTĐT - Nguyên tắc chung của các “siêu nhà tù” này là phạm nhân không được tiếp xúc với lính canh, quản giáo và cũng rất hiếm khi có dịp nói chuyện cùng nhau.

Mới đây, người dân Thụy Điển đã phát hiện ra nước họ có những khu nhà mà giá thành xây dựng đắt nhất tính theo m2. Đó không phải cung điện hoàng gia mà là… các phòng biệt giam trong ba "siêu nhà tù". 
 
Trong các phòng giam này sự quá tiện nghi, thậm chí là dưới con mắt của người Thụy Điển vốn đòi hỏi rất cao, phải trả giá bằng sự tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đây là biện pháp đối phó với tình trạng trốn tù mà điển hình là một loạt cuộc vượt ngục của các tên tội phạm nguy hiểm xảy ra hồi năm 2004. Điều đáng nói là các “siêu nhà tù” này đang… “ế khách”. 

Sáu năm trước, ba cuộc vượt ngục của những tù nhân thuộc dạng nguy hiểm nhất ở Thụy Điển đã khiến Cục trưởng Cục Các trại cải tạo phải từ chức và suýt nữa cũng làm cho Bộ trưởng Tư pháp Tomas Budstrem thân bại danh liệt. Đáp lại sự chỉ trích của công luận, vị Bộ trưởng hứa sẽ xây các “siêu nhà tù” mà phạm nhân chỉ có thể vượt ngục... trong mơ. Bốn năm sau đó, việc xây dựng ba nhà tù như thế được hoàn thành với kinh phí gần 80 triệu euro và sức chứa 72 “khách”.
 
Trên mặt bằng của ba khu giam giữ phạm nhân bình thường trước đây xuất hiện các nhà tù đặc biệt giống hệt những lô cốt khổng lồ. Người ta gọi đây là những “nhà tù trong nhà tù”. Chúng bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng những bức tường bê tông dày, hàng rào cao có dây thép gai nối điện và rất nhiều lớp cổng được canh gác cẩn mật...
 
Nguyên tắc chung của các “siêu nhà tù” này là phạm nhân không được tiếp xúc với lính canh, quản giáo và cũng rất hiếm khi có dịp nói chuyện cùng nhau. Được “đặc cách” vào đây là những tay anh chị sừng sỏ, có tiền sử trốn tù hoặc có nhiều tiền và đồng bọn đang chờ ở ngoài. Những nhà tù bình thường khó “cầm chân” được các phạm nhân loại này.

Phòng giam đặc biệt dành cho một tù nhân rộng 12 m2 , được trang bị vòi tắm hoa sen và bồn cầu “xịn”, trong khi phòng giam cá nhân bình thường chỉ có diện tích 6,5 m2. Sự tiện nghi cao trong “lô cốt” cũng có lý do của nó: Tù nhân ở đây rất ít khi được tiếp xúc với những người khác và hầu như toàn bộ thời gian trong ngày bị nhốt tại phòng giam. Thời gian ra ngoài đi dạo của họ rất ngắn và cũng chỉ loanh quanh ở khoảng sân có mái che kín mít, còn mọi sự di chuyển trong nội bộ nhà tù đều diễn ra dưới mặt đất. Máy móc kiểm soát chặt chẽ tù nhân suốt 24 giờ/ngày. Chẳng hạn, chỉ cần một người hét to lên là ngay lập tức lính canh xuất hiện để trừng phạt kẻ vi phạm trật tự.

Hiệp hội các cựu tù nhân cũng như những chuyên gia tâm lý ở Thụy Điển đã lên tiếng phản đối gay gắt việc sử dụng “siêu nhà tù”. Các bác sĩ tâm lý cho rằng, việc bị biệt giam trong “lô cốt” có thể làm tổn hại nghiêm trọng hệ thần kinh của phạm nhân và đóng chặt cánh cửa trở lại đời thường đối với họ.

Nên biết rằng nhà tù Thụy Điển thuộc loại nhân đạo nhất thế giới. Hạn tù thường rất ngắn, ngay cả với những chung thân cũng thường được giảm xuống còn 10 năm. Những tên sát nhân và hiếp dâm nếu cải tạo tốt sẽ được “nghỉ phép” để đi trượt tuyết trên dãy núi Alps hoặc câu cá ở Tây Ban Nha. Trong bối cảnh đó thì “siêu nhà tù” trở nên lạc lõng và quá tàn bạo theo cách nhìn của các nhà hoạt động xã hội. Cần nói thêm là trong số hàng trăm tên sát nhân và kẻ cướp đang thụ án ở Thụy Điển, người ta cũng không chọn được đủ 72 đối tượng thuộc loại “đặc biệt nguy hiểm” để tống vào “lô cốt”. Hiện tại chỉ có một “siêu nhà tù” ở nước này đang chứa 9 phạm nhân, còn lại bị bỏ không.

Công bằng mà nói, từ khi xuất hiện các “siêu nhà tù” thì số lượng những vụ vượt ngục giảm hẳn. Năm 2004 xảy ra 33 vụ, năm 2007 chỉ còn 10 vụ. Nhưng cứ mỗi vụ trốn tù được ngăn chặn thì người đóng thuế Thụy Điển phải trả giá 500 nghìn euro. Trong số các nước Bắc Âu, chỉ duy nhất Thụy Điển áp dụng phương thức “siêu nhà tù” quá tốn kém. Song, theo đánh giá của các chuyên gia, đắt đỏ chỉ là một chuyện. Điều nguy hiểm nhất đối với xã hội là các phạm nhân bị nhốt trong “lô cốt” một thời gian rất dễ biến thành “thú dữ”. Và điều gì sẽ xảy ra khi “thú dữ” hết bị cách ly khỏi cộng đồng?