Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến bản quyền báo chí giữa Australia và Facebook: Tổn thất cho cả hai bên

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Facebook chặn nội dung tin tức, tuyên chiến với các nhà lập pháp Australia vừa qua không chỉ ảnh hưởng tới Canberra mà về phía mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng bị coi là bước đi sai lầm trong chiến lược.

Căng thẳng giữa Australia và Facebook đã có tín hiệu hạ nhiệt trong cuối tuần qua.
Giọt nước tràn ly
Nhằm mạnh tay với các công ty công nghệ lớn, Australia đã thúc đẩy dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức suốt 3 năm qua. Theo đó, dự luật được đề xuất yêu cầu những công ty công nghệ như Facebook và Google trả tiền trực tiếp cho các nhà xuất bản của Australia khi họ đăng tải tin tức hoặc liên kết đến website của họ, trước khi thay đổi thuật toán, các công ty này cần phải thông báo cho nhà xuất bản 28 ngày. Trong nỗ lực phản đối dự luật, Facebook trong một đêm đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia sau khi thông báo hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở nước này.

Quyết định thô bạo này đã thổi bùng lửa giận ở Australia. Theo hãng phân tích Chartbeat, hành động của Facebook đã ngay lập tức ảnh hưởng tới lượng truy cập website tin tức tại Australia, làm giảm khoảng 13% so với trước khi phong tỏa. Không chỉ có vậy, Facebook còn vô tình gây ảnh hưởng đến một số trang của tổ chức chính phủ và phi lợi nhuận. Điều này đặc biệt gây tổn hại khi từ 22/2, Australia tiến hành tiêm vaccine Covid-19 trên toàn quốc.

Trong cuộc tranh luận nảy lửa tưởng chừng không có hồi kết này, Facebook đã có động thái nhượng bộ trước. Giám đốc cấp cao Facebook châu Á – Thái Bình Dương Simon Milner hôm 19/2 đã phải xin lỗi sau khi công ty vô tình cấm truy cập tài khoản của cơ quan chính phủ và tổ chức y tế quốc gia. Còn Thủ tướng Australia Scott Morrison tại cuộc họp báo hôm 20/2 ở Sydney cho biết, Facebook có ý định “kết bạn với chúng ta một lần nữa” và thông báo mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ quay lại bàn đàm phán”. Nhưng căng thẳng leo thang vừa qua giữa Facebook và Australia đem lại những thông điệp mới về vấn đề kiểm soát thông tin vốn nhạy cảm ở các quốc gia phương Tây.

Trước đó, Facebook công khai ra hiệu sẽ tiếp tục phản đối dự luật báo chí mới, buộc các công ty công nghệ lớn phải trả tiền nội dung cho báo chí. Nhiều chuyên gia nhận định, Facebook vốn đã bị thiếu thiện cảm từ phía công chúng trong nhiều vấn đề và động thái bất ngờ ở Australia có thể là "giọt nước tràn ly" với nhiều người dùng Facebook. Mặc dù biện pháp này mà Facebook áp dụng chỉ giới hạn ở Australia nhưng các nhà xuất bản châu Âu cùng với các chính trị gia Anh và Canada cũng đã lên tiếng coi đây là một nỗ lực nhằm gây sức ép lên những chính phủ đang có ý định xem xét các biện pháp tương tự, theo Reuters. Thủ tướng Morrison từng khẳng định, những hành động của Facebook nhằm hủy kết bạn với Australia như cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp, là một sự ngạo mạn và đáng thất vọng.

Đặt tiền lệ mới

Bất chấp việc nhượng bộ, động thái trước đó của Facebook đối với Australia là lời cảnh báo cho các nhà lập pháp trên toàn thế giới. Theo giới phân tích, Facebook gần như đã sử dụng Australia như một phép thử sức mạnh của các nền dân chủ toàn cầu về việc liệu họ có muốn áp đặt các hạn chế đối với cách họ kinh doanh hay không. Các nhà xuất bản tin tức, theo Reuters, coi chiến thuật của Facebook là bằng chứng cho thấy công ty không thể được tin cậy như "người gác cổng" cho ngành xuất bản. Chủ tịch nhóm ngành Hiệp hội Truyền thông Tin tức Anh Henry Faure Walker cho biết, việc cấm đưa tin trong thời kỳ đại dịch toàn cầu là “một ví dụ kinh điển về việc một thế lực độc quyền là kẻ bắt nạt ở sân trường, tìm cách bảo vệ vị trí thống trị của mình mà không quan tâm nhiều đến công dân và khách hàng mà họ phục vụ". Người đứng đầu hiệp hội các nhà xuất bản tin tức BDZV của Đức, ông Dietmar Wolff nói rằng: “Đã đến lúc các chính phủ trên toàn thế giới hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng gác cổng”.

Nhưng mặt khác, quyết định chặn tin tức ở Australia cũng có thể đặt Facebook vào thế đối đầu với một loạt quốc gia phương Tây đang xem xét các đạo luật kiểm soát thông tin. Dự luật của Australia yêu cầu các nền tảng như Facebook, Google ký thỏa thuận thương mại với các nhà xuất bản cho liên kết dẫn tới nội dung tin tức xuất hiện trên Bảng tin hay kết quả tìm kiếm. Nếu không, họ phải đồng ý với mức phí mà trọng tài bắt buộc đưa ra. Hạ viện Australia đã thông qua dự luật và dự kiến Thượng viện cũng sẽ làm như vậy vào tuần tới.

Còn tại Mỹ, Liên minh Truyền thông Tin tức với 2.000 tổ chức thành viên cũng đang vận động thông qua dự luật "Bảo tồn và Cạnh tranh báo chí" với những điều khoản tương tự dự luật của Australia.