Việc Trung Quốc độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm khiến chuỗi cung ứng của Mỹ chịu nhiều rủi ro, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thốt lên cay đắng.
Thật vậy, nhận thức được tầm quan trọng của kim loại đất hiếm đối với các sản phẩm công nghệ cao, Bắc Kinh đã phát triển khả năng xử lý kim loại này suốt nhiều thập kỷ qua.
Đất hiếm là một nhóm các nguyên tố hóa học khó tìm thấy với số lượng lớn và rất quan trọng đối với công nghệ và sản xuất.
“Vị trí thống trị về đất hiếm trên thị trường thế giới hiện nay cho phép Trung Quốc chiếm ưu thế trong nhiều thời điểm, và có thể gây bất lợi cho đối thủ”, bà Tai cho biết.
Trong khi đó, Washington sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ những chính sách đất hiếm của Bắc Kinh cho đến khi nào tiếp cận được nguồn cung loại nguyên liệu quan trọng này, bà Tai phát biểu tại New Delhi, Ấn Độ trong một sự kiện bên lề B20 - diễn đàn đối thoại kinh doanh của G20.
Cụ thể, bà dẫn chứng chính sách của Trung Quốc về tăng và giảm giá của nguyên liệu này hơn một thập kỷ trước đã định đoạt số phận của một số mỏ đất hiếm tại Mỹ, thậm chí dẫn đến ngừng hoạt động.
Trước năm 1980, nền kinh tế số một thế giới cũng chiếm thị phần lớn trên thị trường đất hiếm. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề liên quan đến chi phí lao động và tiêu chuẩn môi trường nên nhiều công ty khai thác đất hiếm không thể phát triển trên đất Mỹ.
Ngược lại, Bắc Kinh có nhiều chính sách hỗ trợ đất hiếm.
Theo bà Tai, địa vị thống trị mà Trung Quốc đạt được hiện nay bắt nguồn từ những đầu tư đáng kể cho công nghiệp và thương mại.
Thật vậy, ít nhất 5 năm một lần, chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch thúc đẩy khả năng tự chủ về công nghệ hay theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon. Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là minh chứng rõ nhất cho các chính sách kinh tế hiệu quả của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Washington ngày càng lệ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Cựu tổng thống Donald Trump cũng như trong đại dịch Covid-19. Để khắc phục tình trạng này, Tổng thống Biden đã công bố các sáng kiến trị giá hàng tỷ USD nhằm thúc đẩy ngành công nghệ của Mỹ.
“Đây không phải là vị trí mà chúng tôi mong muốn. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đa dạng hơn chuỗi cung ứng để có thể đưa ra nhiều lựa chọn cũng như tránh phải phụ thuộc vào một nước”, bà Tai nhấn mạnh.
Năm nay, các quan chức Mỹ và châu Âu đã bàn về việc giảm thiểu rủi ro và phụ thuộc vào Trung Quốc. Trước những động thái của phương Tây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết quan điểm như vậy là sai lầm vì toàn cầu có mối liên kết kinh tế chặt chẽ với nhau.
Đi tìm đối tác mới
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang từ thương mại đến công nghệ và tài chính, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Ấn Độ, đối thủ lớn nhất của Trung Quốc ở châu Á.
Hôm 26/8, bà Tai đã thảo luận với Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal về giấy phép nhập khẩu thiết bị công nghệ của New Delhi.
“Các chính sách của Mỹ và Ấn Độ liên kết trên nhiều lĩnh vực và đạt được tầm cao mới. Chúng tôi đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế và thương mại tiềm năng khác nhằm ứng phó với Trung Quốc", bà Tai chia sẻ với CNBC.
Trong bối cảnh Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối về đất hiếm, Mỹ cần phải tìm kiếm, thậm chí tạo ra chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu này cho riêng mình, đồng thời tăng cường hợp tác với một siêu cường tiềm năng khác ở châu Á để phát triển công nghệ và hạn chế rủi ro từ Bắc Kinh.