Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Thị trường náo loạn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua (ngày 23/8), sau khi Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên áp bổ sung 5 - 10% thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng lập tức bằng cách tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng Trung Quốc, cao nhất lên đến 30%. Thị trường tài chính toàn cầu trải qua đợt chao đảo trước sự leo thang mới có chiều hướng xấu đi trong cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung Quốc. Trong khi đó thị trường trong nước cũng ghi nhận những cảnh báo mới.

 Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu.

Giá dầu, chứng khoán lao dốc, vàng tăng thẳng đứng
Trong diễn biến leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến giới đầu tư Mỹ ồ ạt bán tháo cổ phiếu. Chốt phiên cuối tuần qua, chỉ số Dow Jones mất 623,34 điểm, tương đương giảm 2,37%, còn 25.628,9 điểm; Nasdaq và S&P 500 lần lượt giảm 3% và 2,6%. Giá dầu thô trên thị trường Mỹ cũng mất 3,8%, xuống còn 53,24 USD một thùng. Dollar Index giảm 0,5%. Tỷ giá Nhân dân tệ (CNY) so với USD ngày 24/8 ở mức 7,0927 tăng 0,0099 (tức 0,14%). Đây là phiên giao dịch tăng giá thứ 9 liên tiếp, kể từ phiên giao dịch chạm đáy vào ngày 14/8.
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh: 

Những diễn biến của cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu Việt Nam. Điển hình là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,3%. Nguyên nhân là do nhiều DN Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc phá giá CNY khiến hàng hoá nước ngoài đắt lên so với hàng Trung Quốc, sẽ tác động đến xuất khẩu.

Dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Chính vì thế một trong những lưu ý là cần chống gian lận xuất xứ, các hiệp hội cần có cảnh báo kịp thời với từng mặt hàng, đồng thời, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng hàng Trung Quốc “ núp bóng” hàng Việt để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Thu Hương ghi

Song song với sự "đỏ lửa" của các thị trường chứng khoán, vàng một lần nữa phát huy tích cực vai trò "vịnh tránh bão". Giá vàng thế giới tiến đến ngưỡng 1.530 USD/ounce, tăng gần 40 USD/ounce trong ngày cuối tuần. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp giá vàng thế giới đi lên. Tính cả tuần giá vàng tăng được 0,9% và tăng 8% trong tháng 8.

Tại thị trường Việt Nam, giá vàng đồng loạt nhảy lên mức 42,6 triệu đồng/lượng, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với tuần trước. Nếu tính từ đầu tháng đến nay, vàng đã tăng hơn 2 triệu đồng/lượng.

Hiện nay, giá vàng thế giới đang được tiếp sức mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, cộng thêm tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn như xung đột ở Iran, biểu tình ở Hồng Kông (Trung Quốc)… và khả năng nới lỏng lãi suất của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ). Bên cạnh đó, khảo sát của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng mạnh có thể là nhân tố tiếp theo để giá vàng hướng tới mốc cao hơn. “Giá mặt hàng kim loại quý này sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 1.500 - 1.550 USD/ounce thời gian tới”- ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhận định.

Phân tích về kênh đầu tư vàng trong thời điểm hiện nay, ông Khánh nhận xét, trên thế giới, nhà đầu tư vẫn xem vàng là hầm trú ẩn an toàn mỗi khi kinh tế toàn cầu có biến động. Tại Việt Nam, vàng dường như không quá sốt nóng. Một phần do Nghị định 24/2012/NÐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tác động đến việc kinh doanh vàng tại Việt Nam, nên hoạt động xuất, nhập khẩu vàng không còn dễ dàng như trước. Song khả năng thời gian tới, nhà đầu tư cũng sẽ phân bổ một phần vốn vào vàng. “Tuy nhiên, cơ hội có lợi nhuận cao sẽ chỉ đến với những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp, còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thời điểm giá vàng biến động bất thường như hiện nay không thích hợp để “lướt sóng” vì rủi ro đi kèm là lớn”- ông Khánh phân tích.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải lưu ý, giá vàng có xu hướng tăng, nhưng vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số khó lường. Đặc biệt khi chênh lệch giá mua vào và bán ra được một số công ty vàng giãn rộng. Điều này gây bất lợi cho những người mua vàng, nghĩa là người bán đang đẩy rủi ro về phía người mua.
 Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh GPBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Làn sóng nới lỏng tiền tệ tiếp tục lan rộng

Theo giới phân tích, đồng CNY có thể sẽ có những biến động mạnh khi hoạt động giao dịch của tuần mới bắt đầu. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài với Mỹ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa dồn dập có động thái đáp trả mạnh mẽ, xoáy vào điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại nhất. Ở phía Mỹ, theo công cụ theo dõi Fed Watch của CME, để kích thích tăng trưởng kinh tế, khả năng FED hạ lãi suất tháng 9 hiện là 100%; Động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Indonesia ngày 23/8 là diễn biến mới nhất trong làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ ở châu Á. Thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc đều đã cắt giảm lãi suất. Theo giới phân tích, các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ còn nới lỏng hơn nữa trong thời gian tới bởi tăng trưởng kinh tế đang đối mặt nguy cơ giảm tốc mạnh.

Việc căng thăng thương mại chưa có điểm dừng và đồng giảm giá mạnh tạo áp lực ít nhiều lên các đồng tiền nội tệ của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Trung Quốc. Chính vì vậy, áp lực lên tỷ giá VND/USD chắc chắn sẽ lớn hơn. Trước diễn biến khó lường của thị trường tài chính, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, NHNN vẫn đang tiếp tục theo dõi thị trường và diễn biến tỷ giá, giá vàng. Đến nay giá USD ở các NH vẫn được giao dịch thấp hơn nhiều biên độ cho phép, các nhu cầu giao dịch về ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân vẫn được đáp ứng đầy đủ. Không có tình trạng căng thẳng cung cầu ngoại tệ.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu:

Việc Trung Quốc phá giá CNY trước mắt chưa tác động, ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Thậm chí đối với một số DN Việt Nam động thái này lại là tín hiệu tích cực bởi khi CNY mất giá, DN sẽ mua được nguyên vật liệu Trung Quốc giá rẻ để sản xuất thành phẩm và sau đó bán nội địa hoặc xuất khầu. Điều này giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt và tăng biên độ lợi nhuận. Mặt khác, những DN vay nợ bằng CNY sẽ cảm thấy khoản nợ giảm đi rõ rệt vì tỷ giá VND/CNY tăng lên. 

Tuy nhiên, nếu đồng CNY giảm giá quá mạnh, DN Việt Nam nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để tạo ra tỷ lệ nội địa hóa tăng cao. Khi cuộc đối đầu thương mại leo thang và kéo dài, tỷ giá đồng CNY/USD giảm mạnh tạo nên sức ép tỷ giá VND/USD. Đồng thời tác động lớn đến kinh tế Việt Nam bởi hàng Trung Quốc nhập khẩu sẽ rẻ hơn và ngược lại, hàng Việt Nam đắt hơn khi xuất khẩu vào Trung Quốc. 

Minh Ngọc ghi