Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc gặp gỡ thú vị với người nhận giải Nobel Y- sinh 2008

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những sinh viên trường Y, dù ở cách xa làng đại học đến hàng chục cây số vẫn hăm hở đón xe buýt xuống tìm gặp và ngắm tận mặt bà Barre.

KTĐT - Những sinh viên trường Y, dù ở cách xa làng đại học đến hàng chục cây số vẫn hăm hở đón xe buýt xuống tìm gặp và ngắm tận mặt bà Barre.

Sáng 24/11, giáo sư-tiến sĩ Barre Sinoussi, một trong 3 nhà khoa học nhận giải Nobel Y-sinh năm 2008 xuất hiện ở TPHCM và ngay lập tức, bà nhận được nhiều sự hâm mộ từ các bạn sinh viên.

Trong ngày 24/11, bà Barre đã có chuyến công tác tại TPHCM theo lời mời của trường ĐH Quốc gia TP.HCM, Viện  Pasteur và Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, bà đã giao lưu với hàng nghìn sinh viên của trường ĐH Quốc gia TP.HCM và hơn 200 sinh viên trường ĐH Y dược TPH.CM.

Cuộc gặp gỡ thú vị với người nhận giải Nobel Y- sinh 2008 - Ảnh 1
GS.TS. Barre Sinoussi tươi cười trong “vòng vây” của sinh viên Việt Nam.

Trở thành thần tượng của giới trẻ

Hội trường của nhà điều hành ĐH Quốc gia TPHCM chật cứng sinh viên, nhiều người trong số họ đã chọn bà Barre làm thần tượng. Buổi giao lưu với bà trong vòng một buổi sáng dường như vẫn không làm cho sinh viên thỏa mãn. Chờ đến lúc kết thúc buổi giao lưu, sinh viên tràn lên, vây quanh bà, người chụp hình, người trò chuyện với bà, có người chỉ đơn giản được đứng gần thần tượng của mình và… cười.

Giáo sư-tiến sĩ Barre Sinoussi sinh năm 1947, là nhà virus học người Pháp.

Năm 1983, cùng với các nhà khoa học Viện Pasteur Paris, bà đã tìm ra virus HIV. Bà đã được trao tặng 10 giải thưởng lớn quốc gia và quốc tế về những đóng góp khoa học trong lĩnh vực HIV/AIDS.

GS.TS Barre có nhiều đóng góp trong việc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam như đào tạo cán bộ nước ta, ký thỏa thuận khoa học đầu tiên về HIV/AIDS với Bộ Y tế Việt Nam, nghiên cứu về dịch tễ học phân tử nhiễm HIV ở Việt Nam.

Những sinh viên trường Y, dù ở cách xa làng đại học đến hàng chục cây số vẫn hăm hở đón xe buýt xuống tìm gặp và ngắm tận mặt bà Barre. Bạch Yến, sinh viên năm cuối trường ĐH Y dược TPHCM, cầm theo chiếc máy ảnh, hớn hở vì đã gặp được thần tượng của mình. Cô sinh viên này thì tò mò không biết thời sinh viên bà Barre nghiên cứu khoa học như thế nào. Không biết có gặp muôn vàn khó khăn như sinh viên Việt Nam hay không.

Còn Anh Đào, sinh viên năm 3 ngành Nha, trường ĐH Y dược TPHCM, thì cuống quýt chạy theo xin chữ ký của bà Barre sau khi kết thúc buổi giao lưu. Lí do là em thần tượng bà từ lâu, nhất là về nhân cách của bà. Nhiều sinh viên nhận định, bà Barre nói chuyện rất gần gũi. Không chỉ trường Y, sinh viên trường Nhân văn, Bách khoa cũng nồng nhiệt với bà Barre. Nhiều người tiếc ngẩn ngơ khi chiếc xe chở bà Barre rời khỏi ĐH Quốc gia TPHCM.

Làm khoa học không nên nghĩ đến giải Nobel

Nói chuyện gần gũi, dễ hiểu nhưng GS. TS Barre khéo léo ít chạm đến đời tư của mình. Thảng hoặc đôi lần, hình ảnh cá nhân bà lại xuất hiện chút ít nhưng cũng mang đầy nét chung chung. Đó là khi bà nói về những khó khăn khi tham gia nghiên cứu khoa học, một trong số đó có lí do bà là nhà nữ khoa học. Nhiều khó khăn, nhưng bà Barre cho rằng “sẽ vượt qua tất cả nếu thật sự muốn làm khoa học”.

Khác với hình dung của đa số sinh viên Việt Nam, bà Barre không tham gia nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên. Chỉ sau khi tốt nghiệp và làm việc trong phòng thí nghiệm, bà mới bắt đầu khám phá thế giới khoa học và “biết đó là điều nên làm”. Nhưng bà lưu ý sinh viên: “Những kiến thức ở đại học là không thể thiếu được, vì đó là nền tảng để nghiên cứu khoa học”.

Cuộc gặp gỡ thú vị với người nhận giải Nobel Y- sinh 2008 - Ảnh 2
Trong buổi giao lưu, GS.TS Barre Sinoussi luôn chăm chú lắng nghe từng câu hỏi của sinh viên TPHCM.
 
Trả lời 2 câu hỏi của sinh viên: “Thất bại lớn nhất trong cuộc đời bà” và “Mục đích cuối cùng cuộc đời bà là gì”, GS.TS. Barre Sinoussi khiến nhiều sinh viên bị “choáng” vì câu trả lời quá hay. Bà nói: “Có rất nhiều thất bại trong cuộc đời tôi. Nhưng có 2 thứ làm tôi khó chịu nhất. Đó là sự phân biệt đối xử với người nhiễm AIDS. Và việc hiện nay vẫn chưa có vắc xin ngừa bệnh AIDS. Còn mục đích sống và ước mơ của tôi là cuộc chiến HIV sẽ đến hồi kết thúc.”.

Nhắn nhủ với sinh viên Việt Nam, bà Barre nói: “Nếu chúng ta đã làm nghiên cứu khoa học thì không nên nghĩ đến giải Nobel. Mục đích cuối cùng của ngành Y là phục vụ bệnh nhân”. Cũng bởi suy nghĩ như vậy, nên bà Barre không khỏi ngạc nhiên khi một nhà báo Pháp báo tin rằng bà được nhận giải  Nobel. Đó là lúc bà còn đang làm việc ở Việt Nam và Campuchia để kiểm soát đại dịch AIDS. Bà nói rằng: “Hãy làm việc hết sức mình, kết quả sẽ đến sau”.