Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc khẩu chiến mới giữa Mỹ - Trung

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ liên tục cảnh báo Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga tại Ukraine, nhưng Bắc Kinh nói rằng Washington "không đủ tư cách"

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. Ảnh: Reuters
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" sau khi một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo Bắc Kinh về hậu quả nếu cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

"Nếu đi theo con đường đó, Trung Quốc sẽ phải trả giá thực sự, và tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc điều đó khi họ đưa ra quyết định của mình" - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với CNN hôm 26/2.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 27/2 rằng chính Mỹ là bên phải chịu trách nhiệm khi nói đến việc cung cấp vũ khí sát thương cho cuộc xung đột, trong khi vu khống Bắc Kinh và trừng phạt vô lý các công ty Trung Quốc vì liên quan đến Nga.

Bà Mao nói: "Về vấn đề Ukraine, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng... Mỹ không có tư cách chỉ tay vào quan hệ Trung Quốc - Nga".

Đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 32 tỷ USD, bao gồm số lượng lớn vũ khí tiên tiến. Trong tuần kỷ niệm tròn một năm chiến sự vừa qua, Washington tiếp tục công bố một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2 tỷ USD.

"Ngoài việc đổ vũ khí sát thương vào chiến trường Ukraine, Mỹ còn bán vũ khí tinh vi cho Đài Loan, vi phạm ba thông cáo chung Trung - Mỹ" - người phát ngôn nói - "Đây là chủ nghĩa bá quyền trắng trợn, tiêu chuẩn kép và đạo đức giả hoàn toàn".

Cuộc khẩu chiến mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra sau một tuần chứng kiến loạt tuyên bố mơ hồ từ các quan chức Washington rằng Bắc Kinh đang xem xét vũ trang cho Nga ở Ukraine, trong khi thừa nhận chưa có bằng chứng cho thấy quyết định cuối cùng đã được đưa ra, hay về việc vận chuyển vũ khí trên thực tế.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Tình báo Quân đội Ukraine Kyrylo Budanov chia sẻ với báo giới hôm 27/2: "Không có dấu hiệu nào cho thấy những điều như vậy đang được thảo luận". Ông nói rằng "về cơ bản, quốc gia duy nhất" thực sự chuyển giao vũ khí cho Nga là Iran.

Cũng theo Budanov, các thông tin tình báo cho thấy Nga đang cố gắng mua bất kỳ loại vũ khí nào có sẵn từ mọi quốc gia có khả năng cung cấp. Serbia - một đồng minh thân cận của Nga - được cho đã từ chối chuyển giao vũ khí, và Điện Kremlin hiện đang cố gắng kiếm nguồn cung từ Myanmar.

Về phía Trung Quốc, sau khi tuyên bố mối quan hệ "không giới hạn" với Nga trong những tuần trước khi nổ ra chiến sự cách đây một năm, Bắc Kinh gần đây đã cố gắng thể hiện quan điểm trung lập về cuộc xung đột. Thậm chí tuần trước họ đã đưa ra một đề xuất hòa bình cho Ukraine gồm 12 điểm, trong đó kêu gọi đối thoại giữa các bên tham chiến, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và cấm sử dụng vũ khí hạt nhân.

Động thái diễn ra ngay sau khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Vương Nghị, có cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hôm 22/2, tức là chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev để gặp nhà đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lưu ý rằng ông Vương đã không thực hiện một chuyến đi tương tự tới Kiev trước khi đưa ra đề xuất hòa bình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng "ngụy trang dưới lớp vỏ trung lập, ngay cả khi vẫn tăng cường can dự vào Nga theo nhiều cách: Chính trị, ngoại giao, kinh tế và có khả năng là cả trong lĩnh vực an ninh".