Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã có 15 địa phương được đồng ý cho bầu cử sớm tại các khu vực bỏ phiếu có khó khăn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Hội đồng Bầu cử quốc gia, đối với các khu vực bỏ phiếu ở các xã ben biển, hải đảo, địa bàn đi lại khó khăn, những nơi có người dân, cán bộ, nhân viên các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển trong ngày bầu cử, các địa phương đã rà soát và đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép thực hiện bầu cử trước ngày 23/5/2021. Đến thời điểm hiện nay, có 15 địa phương đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tiến hành bỏ phiếu sớm.

Tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026" do Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức sáng nay (18/5), Ủy viên, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường thay mặt Hội đồng trình bày báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND TP các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho biết: Đến thời điểm này, việc chuẩn bị công tác bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. 
Theo ông Bùi Văn Cường, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã được thành lập đầy đủ, theo đúng quy định pháp luật về bầu cử với 63 UBBC cấp tỉnh, 682 UBBC cấp huyện và 10.134 UBBC cấp xã. Có 184 Ban bầu cử ĐB Quốc hội, 1.059 Ban bầu cử ĐB HĐND cấp tỉnh, 6.188 Ban bầu cử ĐB HĐND cấp huyện và 69.619 Ban bầu cử ĐB HĐND cấp xã. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử. UBND cấp xã cũng đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri đảm bảo đúng thời hạn. Trong đó, đã chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu..., nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân.
 Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo số liệu của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.198.594 người sẽ thực hiện quyền bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, cả nước có 866 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB Quốc hội khóa XV. Trong đó, ở Trung ương có 203 người, ở địa phương 663 người; có 9 người tự ứng cử. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 6.201 người trên tổng số ĐB được bầu theo quy định là 3.727 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,67 lần so với tổng số ĐB được bầu; có 18 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 2.527 người (chiếm 40,8%); dân tộc thiểu số có 1.160 người (18,7%); người ngoài đảng có 788 người (12,7%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 1.994 người (32,2%); tôn giáo 236 người (3,8%); tái cử 1.611 người (26%). Có 18 người tự ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh, đạt 0,29%. 
Cùng đó, tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 là 37.463 người, trong đó số ĐB được bầu theo quy định là 22.953 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,63 lần so với tổng số ĐB được bầu; có 26 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 15.799 người (chiếm 42,2%); dân tộc thiểu số 7.305 người (19,5%); ngoài đảng 4.905 người (13,3%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 15.247 người (40,7%); tôn giáo 1.082 người (2,9%); tái cử 10.680 người (28,5%); tự ứng cử 26 người (chiếm 0,07%). Số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 là 405.110 người, trong đó số ĐB được bầu theo quy định là 246.510 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,64 lần so với tổng số ĐB được bầu; có 204 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 158.398 người (chiếm 39,1%); dân tộc thiểu số 87.094 người (21,5%); ngoài đảng 104.776 người (25,9%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 181.460 người (44,8%); tôn giáo 11.542 người (2,8%); tái cử có 144.793 người (35,7%); tự ứng cử 204 người (0,05%).
Hội đồng Bầu cử quốc gia, UBTV Quốc hội đã thành lập 23 đoàn công tác đến làm việc tại 53 tỉnh, TP để giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, trong đó kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại nhiều tổ chức phụ trách bầu cử cấp huyện và cấp xã, kiểm tra việc niêm yết danh sách, chuẩn bị phòng bỏ phiếu tại nhiều điểm bỏ phiếu. Trong đó, chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, y tế, các tình huống phát sinh trong ngày bầu cử, nhất là kịch bản, tình huống phát sinh về dịch Covid-19.
Đặc biệt, đối với các khu vực bỏ phiếu ở các xã ben biển, hải đảo, địa bàn đi lại khó khăn, những nơi có người dân, cán bộ, nhân viên các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển trong ngày bầu cử, các địa phương đã rà soát và đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia cho phép thực hiện bầu cử trước ngày 23/5/2021. Đến thời điểm hiện nay, theo đề nghị của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, có 15 địa phương đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tiến hành bỏ phiếu sớm, gồm: Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Bạc Liêu. Đến thời điểm này, trên địa bàn 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm.
Người dân tìm hiểu danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Khu vực bỏ phiếu số 1 - thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì  
Tuy nhiên, theo đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, còn một số hạn chế, vướng mắc như: Một số địa phương có lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri; số lượng buổi bố trí cho ứng viên ĐB Quốc hội và ĐB HĐND tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp tình hình bùng phát dịch Covid-19; chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông trong vận động bầu cử. Cùng đó, việc xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo ở một số nơi còn chậm; công tác tuyên truyền chưa thật sự có tác động rộng rãi ttong toàn dân; việc hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn. Một số nơi, việc bố trí kinh phí còn hạn chế; việc mua sắm vật tư, thiết bị, in sao tài liệu phục vụ công tác bầu cử thực hiện theo quy định cùa Luật Đấu thầu cần nhiều thời gian, quy trình; việc tuyên truyền về bầu cừ bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu và niêm yết các quy định, thủ tục về bầu cử gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết; chưa có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng đặc thù như công nhân ở các KCN; lập danh sách cử tri chưa chính xác, thiếu thông tin theo quy định…
Đặc biệt, tình hình dịch Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới của virus, trong khi vẫn còn tình trạng người về từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc còn tụ tập đông người, chưa thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bầu cử. Có nơi còn chưa chủ động xây dựng các phương án bảo vệ khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu, phương án phòng chống dịch bệnh Covid -19 khi có cử tri bị sốt hoặc phương án bỏ phiếu trong trường hợp bị cách ly.