Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa dạng hình thức để dân giám sát

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học và làm theo tư tưởng của Bác về phát huy tinh thần dân chủ, để người dân có thể tham gia giám sát, kiểm soát hoạt động của các cơ quan công quyền.

Thời gian qua các cơ quan Nhà nước đã tập trung xây dựng các cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động thông qua các hình thức khác nhau. Các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các vi phạm.

Minh bạch thông tin, tăng sự hài lòng

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội khảo sát thực tế công trình trọng điểm được triển khai tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Nguyễn Hải
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội khảo sát thực tế công trình trọng điểm được triển khai tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Hà Nội, qua các đợt kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025" cho thấy, từ TP đến cơ sở đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai, minh bạch những thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định; đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách... trên trang thông tin điện tử của các đơn vị. Các quy trình, thủ tục giải quyết công việc, các chế độ, định mức... đều được công khai bằng nhiều hình thức như thông báo tại các cuộc họp, niêm yếu tại trụ sở cơ quan...

Công khai các dự án thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật… Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước và giám sát việc thực hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Tại nhiều quận, huyện, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều được công khai... đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm. Đồng thời, tiến hành các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng... kịp thời phát hiện một số sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh ngay.

Cùng với đó, TP cũng rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) của các cơ quan, tăng công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả chất lượng và tiến độ giải quyết các công việc. Thực hiện đối thoại, trách nhiệm giải trình, xin lỗi đối với người dân, DN khi cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị mình vi phạm quy trình xử lý hồ sơ hoặc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công quá hạn mà không có lý do chính đáng; trả lời phản ánh, kiến nghị phải kịp thời, đúng quy định, chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...

Phát huy vai trò của người dân trong giám sát

Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã tổ chức 735 hội nghị phản biện xã hội; 1.066 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân; hơn 1.300 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật; tham gia góp ý đối với 5.543 dự thảo văn bản của Đảng và chính quyền có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhân dân…

Các ban thanh tra Nhân dân đã tổ chức 4.673 cuộc giám sát, phát hiện 490 vụ việc vi phạm, kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 488 vụ việc, được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 470 vụ việc (đạt 96,3%). Thông qua việc giám sát đã kiến nghị chính quyền thu hồi 249m2 đất, 13,5 triệu đồng.

Ngoài ra, toàn TP có 13.661 thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tập trung giám sát việc chấp hành quy định trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, phát hiện tác động tiêu cực của các dự án đầu tư… Năm 2023, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.145 công trình, dự án, phát hiện kiến nghị xử lý 210 vụ vi phạm; 208 công trình, dự án đã được xử lý, khắc phục kịp thời. Qua đó đã giúp cho việc đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có hiệu quả cao...

Tiếp tục tăng sự kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền, TP Hà Nội vừa có kết hoạch về việc triển khai thí điểm ứng dụng “Công dân Thủ đô số” phục vụ việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về các lĩnh vực trên địa bàn TP. Đồng thời, TP cũng đã thống nhất chủ trương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP, hướng tới mục tiêu "Minh bạch – Công khai – Hiện đại và phi địa giới hành chính trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính".

Tại nhiều quận, huyện, đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên ứng dụng Zalo, bổ sung các tính năng như: Hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn… trên các trang thông tin của địa phương, qua đó, giúp việc giám sát đạt hiệu quả cao hơn như lời Bác dạy.