Đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng đàn lợn toàn thế giới giảm cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nguy cơ thiếu hụt thịt lợn đang hiện hữu rõ nét. Điều này đặt ra bài toán không dễ đối với mục tiêu bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng trong nước.

Nguồn cung không dồi dào
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, tổng đàn lợn của cả thế giới hiện có khoảng 678 triệu con, giảm gần 12% so với năm 2019. Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, Trung Quốc, quốc gia có tổng đàn lợn lớn nhất thế giới hiện chỉ còn 335 triệu con.
Tổng đàn lợn của nhóm các nước châu Âu và Hoa Kỳ cũng giảm còn lần lượt là 149 triệu và 77 triệu con. Trong khi đó tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn thiệt hại khoảng 6 triệu con. Cả nước hiện còn khoảng 24 triệu con lợn. Dù đến nay, 63/63 tỉnh, TP đang tích cực tái đàn, tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần từ 5 – 7 tháng. Sản phẩm của lợn nuôi tái đàn hiện tăng chưa đáng kể.
 Sơ chế thịt lợn tại tổ hợp chế biến của một DN tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Tùng
Việc sụt giảm tổng đàn khiến cạnh tranh nhập khẩu thịt lợn đang rất lớn. Hiện các DN Trung Quốc sẵn sàng trả giá thịt lợn cao hơn 20 – 30% so với các nhà nhập khẩu khác (bao gồm cả các DN Việt Nam). Điều này khiến nguồn hàng thịt lợn được đánh giá là không dồi dào.
Đáng chú ý, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận định, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể tác động lớn đến sản xuất, xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn. Không loại trừ khả năng một số nước sẽ tạm dừng nhập cảnh để ngăn chặn dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại giữa các nước sẽ bị ngưng trệ.
Tiếp tục nhập khẩu thịt lợn
Theo Bộ NN&PTNT, hiện công tác tái đàn lợn đang tiến triển tích cực trên cả nước. Dự kiến trong năm 2020, nguồn cung thịt lợn cho thị trường có thể đạt 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt an toàn dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi).
Mặc dù vậy, để bảo đảm tiêu dùng của người dân trong bối cảnh giá thịt lợn tăng cao do thiếu hụt nguồn cung, từ đầu năm 2020 đến nay, các DN trong nước đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng nhập khẩu chủ yếu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%. Dự kiến cuối tháng 3/2020, những lô hàng thịt lợn đầu tiên của Liên bang Nga cũng sẽ cập cảng Việt Nam.
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Bộ NN&PTNT kiến nghị các tỉnh, TP tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học. Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương để phối hợp tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau Brazil, Đức, Australia, Mexico, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ đã cử các đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Lào, Campuchia và Hoa Kỳ để xúc tiến nhập khẩu lợn sống và thịt lợn từ các quốc gia này. “Thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu…” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm.
Cùng với xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế hỗ trợ các DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn, bảo đảm không để thị trường bị thiếu thịt lợn và người tiêu dùng phải mua thực phẩm này với giá cao.

Cùng với thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, từ đầu năm 2020 đến nay, các DN đã nhập khẩu hơn 14.161 tấn thịt bò, 19.356 tấn thịt trâu, 48.348 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm…, nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước. Sản lượng nhập khẩu các mặt hàng thịt kể trên đều tăng từ 86 – 128% so với cùng kỳ năm 2019.