Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành triển khai thực hiện đồng bộ một khối lượng lớn các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đến nay, trên toàn địa bàn TP đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%). Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, một khối lượng lớn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù…
Lãnh đạo Sở QH-KT đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại. Cụ thể, đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực… còn chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng. Chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng. Việc thực hiện phân cấp của UBND cấp huyện còn lúng túng. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm. Thiếu nguồn lực và sức hút trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khung, chung cư cũ… khiến bộ mặt đô thị chưa được đồng bộ, khang trang. Quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế, việc xử lý các công trình vi phạm còn chậm so với yêu cầu. “Những tồn tại trên đây cũng có 1 phần trách nhiệm của Sở là đơn vị tham mưu cho UBND TP trong lĩnh vực quy hoạch” – ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nêu.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thực hiện QHC1259, đại diện Sở QH-KT cho rằng, khối lượng các đồ án quy hoạch rất lớn, phải thực hiện trọng thời gian ngắn. Việc xin ý kiến các cơ quan đơn vị liên quan chưa nhận được sự đồng thuận, mất thời gian hoàn chỉnh. Đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, năng lực lập các đồ án quy hoạch có quy lớn là không nhiều. Đặc biệt, một số loại hình quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch này chưa được phê duyệt vì vậy chưa có căn cứ để lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030… Để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện QHC 1259, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trúc Anh đã đề xuất các đại biểu kiến nghị với Quốc hội sửa đổi một Luật để phù hợp với thực tiễn phát triển. Hiện nay Sở đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương trong bối cảnh Luật Quy hoạch mới có hiệu lực. Ngoài ra, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, ban hành thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hủy bỏ. Thực hiện việc triển khai rà soát quy hoạch chung Thủ đô (hiện đã quá thời 5 năm được điều chỉnh quy hoạch theo quy định của luật)…
Đánh giá tại buổi làm việc, các đại biểu đoàn giám sát cho rằng, TP chưa kiểm soát hữu hiệu sự phát triển của đô thị từ khi có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Chưa có mô hình quản lý thống nhất, đồng bộ. Khối lượng lớn các đồ án quy hoạch chưa được thực hiện; chất lượng cán bộ làm công tác quy hoạch còn chưa cao; nguồn lực dành cho công tác nghiên cứu và lập quy hoạch còn hạn chế.
Kết luận buổi giám sát, bà Bùi Huyền Mai cho rằng, việc giám sát về vấn đề quy hoạch vào thời điểm này là hoàn toàn đúng và trúng nhằm phục vụ xây dựng, phát triển đô thị của Hà Nội trong thời gian tới. Trước những tồn tại hạn chế, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Bùi Huyền Mai đề nghị Sở QH-KT cần chủ động, sớm tham mưu cho Thành ủy-HĐND-UBND TP xem xét ban hành kịp thời các văn bản cụ thể hóa các quy định của Luật liên quan đến công tác quy hoạch như Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc, Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điêm tổ chức chính quyền đô thị. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các đồ án quy hoạch đã được giao để trình UBND TP, các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch. Chú trọng công tác bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quy hoạch.