Chiều 12/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có những thông tin chính thức với báo chí về việc Đà Nẵng sẽ bổ sung vào quy hoạch dự án cây dựng hầm chui qua sông Hàn.
Ông Thơ cho biết, Thủ tướng không chỉ đạo “dừng dự án” mà chỉ yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành chọn phương án hợp lý và bổ sung vào quy hoạch theo đúng trình tự xây dựng cơ bản. Về nguồn vốn cho xây dựng hầm sẽ được huy động từ ngân sách và nguồn từ khai thác quỹ đất của địa phương.
“Hai bờ sông Hàn sẽ có thêm một công trình nữa, dù hầm hay cầu cũng phải có. Chúng ta đang nói đến tầm nhìn cho cả 10 năm, 20 năm về sau. Vì vậy, dự án xây dựng hầm chui qua sông Hàn sẽ được đưa vào quy hoạch bổ sung trong quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. TP sẽ tiếp tục làm việc và thống nhất với các bộ ngành, các cơ quan liên quan làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng công trình hầm qua sông Hàn", ông Thơ nhấn mạnh.Theo quy hoạch chung về Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, đoạn sông giữa cầu Thuận Phước và cầu quan Sông Hàn chỉ có thêm 1 cây cầu đường bộ. Trong quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (theo quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ) Đà Nẵng chưa có công trình hầm chui qua sông Hàn.Trước đó, khi có thông tin TP Đà Nẵng sẽ dùng khoản kinh phí khoảng 4.700 tỷ đồng để xây dựng hầm chui qua Sông Hàn với quy mô 6 làn xe (4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy) đã có nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và nhà quản lý. Cụ thể, có ý kiến cho rằng trên sông Hàn hiện đang có 5 cây cầu đường bộ lớn trên đoạn đường dài trên 4km đang vận hành chưa hết công suất đó là: Cầu Thuận Phước, cầu Quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Tiên Sơn và cầu Trần Thị Lý nên không nhất thiết phải xây dựng một công trình hầm chui tốn kém.Về phía các chuyên gia, đại diện Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, quyết định đầu tư xây dựng hầm qua sông Hàn là một phương án táo bạo với tầm nhìn đúng khi nó giải quyết được mọi vấn đề về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng dù có tốn kém. Nhưng ngược lại sẽ là lãng phí tiền của Nhân dân khi không mang lại những hữu ích phát triển. Do đó, cần phải tính toán thật cẩn trọng và tâm huyết, trách nhiệm.Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong kế hoạch xây dựng và phát triển đô thị của Đà Nẵng đến năm 2030 TP sẽ có khoảng 2 - 2,5 triệu dân tăng gấp đôi so với hiện nay. Trong khi Đà Nẵng là một TP nhỏ, khi đó áp lực về giao thông sẽ gia tăng, việc xây dựng được một công trình lớn như thế sẽ có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP và cũng là một trong những phương án để giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay.