Thảo luận tại tổ về về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, các ĐB Quốc hội đã tập trung thảo luận vào 6 nhóm nội dung: Các vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định tại khoản 5, điều 1 của dự thảo Luật; các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định tại khoản 6 điều 1 của dự thảo Luật; xác định các hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khoản 9, điều 2 dự thảo Luật; các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến sở hữu trí tuệ phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới, quy định tại khoản 11 điều 2 của dự thảo Luật và một số nội dung khác mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo ĐB Lê Quân (Đoàn Hà Nội), Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi tương thích với những công ước và Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, theo quy định, những người cung cấp dịch vụ bảo hiểm yêu cầu phải tốt nghiệp đại học hoặc chuyên ngành bảo hiểm, hoặc có chứng chỉ thì tôi đề nghị chỉ dùng vế sau, tức là chỉ cần có chứng chỉ. Bởi vì, bảo hiểm rất nhiều loại khác nhau từ tư vấn đến giám định, đánh giá,…
“Vậy chúng ta chỉ cần quy định có chứng chỉ hành nghề, trong đó có cả kiến thức, kỹ năng, thái độ, tố chất đối với nghề nghiệp. Nếu chúng ta quy định cả việc có bằng cấp và trình độ đào tạo thì sẽ lệch nhiều so với các thông tư, nghị định đầu ra của một số ngành nghề hiện nay. Và bản thân trong lĩnh vực tư vấn bảo hiểm cho các doanh nghiệp họ cũng có rất nhiều cấc cấp bậc khác nhau từ đại lý bảo hiểm, chuyên viên tư vấn, quản lý phòng, quản lý bộ phận… chứ không chỉ đơn thuần chỉ là chuyên gia tư vấn bảo hiểm”, ĐB Lê Quân nói.
Cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng phạm vi sửa đổi tập trung vào giải quyết những nội dung còn vướng mắc, chồng chéo khi triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP là rất cần thiết. Bên cạnh đó, vấn đề về trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm, trách nhiệm về nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ về bảo hiểm cũng cần được làm rõ hơn trong bối cảnh dịch vụ này còn là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam. Theo ĐB Quốc Khánh, nhân sự đội ngũ trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này cũng đang là một vấn đề rất khó khăn, bởi nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đảm bảo đầy đủ để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ này.
Cũng theo nữ ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội, các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ về bảo hiểm có quyền tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp để phát triển thị trường.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh: “Đây là quyền của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường… Trong nền kinh tế thị trường, có rất nhiều các loại dịch vụ. Đây cũng là một dạng dịch vụ công. Khi Nhà nước không cung cấp được thì các tổ chức cá nhân có quyền tham gia và phải tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân tham gia và thực thi quyền của mình. Ở đây các tổ chức cá nhân còn có quyền hợp tác với nước ngoài để lập ra những tổ chức cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo chuẩn quốc tế. Về cơ bản, trước mắt, với những quy định như thế này, có thể chúng ta cần phải ủng hộ với đề xuất của Chính phủ”.
Đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, song ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước) bày tỏ một số băn khoăn về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm và mong muốn được làm rõ hơn về những hoạt động hỗ trợ này cụ thể là hoạt động gì. Cũng theo ĐB Tôn Ngọc Hạnh, thực tế trước đây khi Việt Nam chưa có quy định thì các công ty bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam không có các quy định về tư vấn và các dịch vụ phụ trợ.
Qua thực tế, nữa ĐB Quốc hội cho rằng hiện nay vấn đề đào tạo nhân viên đi tư vấn và bán bảo hiểm vẫn rất đơn giản, chỉ cần trải qua vài buổi học. Theo bà, với cách đào tạo như vậy, dù các công ty hướng dẫn chuyên nghiệp nhưng không có cơ chế, quy định ràng buộc lâu dài và quản lý nhân sự sau khi các nhân viên của công ty đó đi tư vấn, ký hợp đồng bán bảo hiểm. Tuy nhiên, phí bảo hiểm thường được đóng trong thời gian dài, thậm chí trong vòng 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa…, nên đây sẽ là khúc mắc, nhất là đối với thị trường có dư địa tốt như Việt Nam.
Từ thực tế trên, ĐB Tôn Ngọc Hạnh cho rằng cần có quy định ràng buộc về đào tạo cũng như quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với nhân sự của các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm.