Đại biểu Lê Quân nhận định, hiện nay, công tác phân luồng thu hút người vào học nghề chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực, lăn lộn của rất nhiều các trường nghề, đi từng thôn, bản, xóm, làng, huyện để tư vấn tuyển sinh và chính sách của chúng ta để định hướng và phân luồng chưa thực sự mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay có mấy điểm nghẽn chính. Thứ nhất, hết lớp 9 vào học trung cấp nhưng luật bắt các em đã yếu thì phải gánh rất nặng: Vừa học trung cấp lại, vừa học văn hóa dẫn đến tình trạng trong cả chương trình đã nặng rồi lại tổ chức đào tạo thì nhiều khi cũng không hợp lý. Một mặt học nghề tại trường nghề, văn hóa đi học tại một nơi địa điểm trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc một trường nào đó dẫn đến tình trạng quá trình tổ chức đào tạo và nội dung chương trình rất nặng, dẫn đến tình trạng chúng ta sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức, đào tạo chương trình dạy nghề chất lượng.
Thứ hai, quá trình liên thông. Hiện nay, học hết trung cấp muốn liên thông lên cao đẳng phải có hoàn thành khối lượng văn hóa rất nặng, dẫn đến tình trạng quá trình nhiều em học xong trung cấp nhưng muốn lên thì phải học thêm 1 năm để lấy văn hóa để có thể tính liên thông với chúng ta. Chính vì vậy, khi giải quyết vấn đề đầu tư, ưu tiên, định hướng, phân luồng và vấn đề liên thông chưa tốt thì vấn đề phân luồng sẽ gặp khó khăn.
Từ phân tích đó, đại biểu Lê Quân đã đề nghị: "Nên bổ sung một điều về phân luồng để phân định rõ trách nhiệm của ai, những giải pháp gì, như vậy mới có những ưu tiên và quá trình đầu tư. Chúng ta có giải thích từ ngữ phân luồng nhưng trong luật thì không có điều khoản nào đề cập đến vấn đề phân luồng. Đề nghị trong điều liên thông thì hiện nay quy định 2 khoản mục của liên thông nhưng khoản mục quy định như vậy sẽ rất chung, mới chỉ là định hướng".
Hiện nay, khung trình độ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo đề nghị của Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT có 8 bậc, đã đảm bảo liên thông cho 8 bậc, tức là trung cấp là bậc 4, cao đẳng bậc 5, đại học bậc 6 thì có nghĩa là học xong bậc nào phải được liên thông lên bậc đó, không cần có những điều kiện gì bổ sung. Trách nhiệm của ai quản lý bậc nào thì phải đào tạo chương trình đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để liên thông lên bậc trên.
Đề nghị Điều 8 sửa đổi lại là: "Người học xong trình độ bậc dưới phải đủ điều kiện để học liên thông lên trình độ bậc trên. Tránh tình trạng học hết cao đẳng hiện nay muốn liên thông lên đại học lại phải tham gia kỳ thi tuyển quốc gia", như vậy còn khó hơn, trong khi đó đại học hiện nay đã xét tuyển rồi. Gắn với tự chủ của đại học chúng ta gắn với tự chủ tuyển sinh.
“Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Điều 27 có thể mở ra là THCS không chỉ học lên trung cấp mà học lên thẳng cao đẳng, mô hình KOSEN thí điểm ở Việt Nam và mười mấy trường cao đẳng những năm vừa qua. Thời gian vừa qua Bộ LĐTB&XH thí điểm mô hình học hết 9 năm lên học cao đẳng, như vậy chương trình 3 - 4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa cả kỹ năng nghề, các em 18 - 19 tuổi đúng Luật Lao động gia nhập thị trường và rất hiệu quả. Năm vừa rồi kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này”- đại biểu nêu.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Quân đoàn Hà Nội. Theo đại biểu Hạnh, nhiều năm nước ta đã thực hiện phân luồng học sinh, tuyền truyền định hướng giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa thực sự thành công, chưa làm thay đổi nhận thức của người học.
Từ đó, đại biểu đề xuất bổ sung, để nội dung, phương pháp chương trình giáo dục hướng nghiệp thực hiện hiệu quả và đảm bảo sự chặt chẽ của các quy định pháp luật, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 102 nội dung nhà nước quản lý giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh để đảm bảo chặt chẽ trong quy định về giáo dục hướng nghiệp. Vì trong 12 nội dung quản lý giáo dục không có nội dung giáo dục hướng nghiệp, nhà nước phải giữ vai trò quản lý toàn diện về nội dung, phương pháp giảng dạy, chương trình cụ thể của giáo dục hướng nghiệp, nhà nước không thể buông lỏng về vấn đề giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.