Đại biểu Quốc hội: Cơ chế quản lý bệnh viện công vẫn còn "trói buộc"

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong đó, vấn đề tự chủ bệnh viện được các đại biểu đề cập đến.

Cơ chế quản lý chưa cho phép bệnh viện công phát huy hết tiềm năng

Trong phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) dẫn ý kiến của nhiều người cho rằng, việc các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viên công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư y tế đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc, khống chế về chi phí và danh mục các loại thuốc và thiết bị vật tư thay thế.

Trong điều kiện làm việc đó, nếu họ được hưởng mức thù lao tương xứng với công sức bỏ ra và hiệu quả đóng góp của mình, thì họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực của bản thân cho công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, mà không cần phải chân trong chân ngoài, tất bật với phòng khám tư.

Đông đảo các bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng trả phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công, nhưng không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi điều trị ở nước ngoài hoặc sang khám và điều trị tại các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế chỉ vì có trang thiết bị hiện đại và tiện nghi.

“Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là: cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình” – đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm. Đồng thời bày tỏ hy vọng rằng, những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa đổi Luật Khám chữa bệnh lần này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đưa vào Dự Luật vấn đề tự chủ của bệnh viện công, trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn thu từ ngân sách.

Bên cạnh đó, quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ; rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ. Cần rõ cơ chế quản lý tài sản, để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư: Mua sắm, đi thuê, liên doanh liên kết các máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất cho yêu cầu khám chữa bệnh. Đồng thời, cần quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đối với bệnh viện tự chủ.

Làm rõ quy định tự chủ tài chính của đơn vị y tế công lập

Cũng liên quan vấn đề tự chủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) ghi nhận Dự Luật lần này đã có sự tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…

Đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về chức năng của các tổ chức nghề nghiệp, trong đó làm rõ việc giám sát, kiểm tra, cấp phép, phát huy vai trò của hội nghề nghiệp để đảm bảo nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cần đầu tư nhiều hơn nữa, tham khảo các mô hình, nâng cao cơ chế, chính sách đối với nhân lực y tế để giải quyết dứt điểm các vấn đề thực tế đã đặt ra.

Nhấn mạnh cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho biết, đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập hiện đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự Luật có mục về tài chính khám, chữa bệnh nhưng lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu tại Kỳ họp
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu tại Kỳ họp

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập, trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ đảm bảo kinh phí; đồng thời cần đi kèm tự chủ về mặt chuyên môn, nhân lực, quyền được mua sắm, đấu thầu...

Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng: “Phân loại mức độ tự chủ của bệnh viện công lập cần gắn với phân loại bệnh viện; việc phân loại bệnh viện phải dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện. Do đó, cần xem xét, nghiên cứu để luật hóa một số quy định của Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc thù ngành Y tế nhất”; đồng thời bày tỏ mong muốn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này bởi “đây là điều các đại biểu, nhân dân, cán bộ ngành Y tế mong mỏi”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam) dẫn ví dụ phân cấp chuyên môn trước đây chia theo tuyến T.Ư, tỉnh, huyện, xã nhưng lần này theo chuyên môn kỹ thuật với ba cấp là ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Ủng hộ quy định mới này phù hợp chủ trương của Đảng, thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, song đại biểu băn khoăn mối quan hệ của các cấp bệnh viện như thế nào, giữa công - tư cũng như chính sách với từng cấp ra sao. “Trong một cơ sở khám chữa bệnh liệu có cả ba cấp này không, hay từng cấp riêng biệt”- đại biểu nêu câu hỏi.

 

Cấm các hành vi nhằm mục đích trục lợi trong khám bệnh

Trước đó, trong báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự Luật đã có quy định cấm các hành vi nhằm mục đích trục lợi trong khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 12 Điều 7, trong đó bao gồm cả hành vi thu dung, khuyến mại người đến khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi. Quy định người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc của người bệnh phải chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 17 của Dự thảo Luật; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng đã quy định cấm có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh và chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời,  Dự Luật được chỉnh lý bổ sung một khoản theo hướng cấm đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền như thể hiện tại khoản 20 Điều 7 Dự thảo Luật.

Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự Luật đã chỉnh lý theo 2 phương án và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Qua quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến lựa chọn Phương án 2, đó là quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã góp ý vào một số nội dung của phương án này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép tiếp thu theo Phương án 2 là phương án của đa số ý kiến các đoàn đại biểu và chỉnh lý tại các khoản cụ thể về các nội dung xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh như thể hiện tại Điều 107 Dự Luật…