Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy hoạch khu tái định cư tập trung, phát triển du lịch cho đồng bào thiểu số

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/6, thực hiện chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) đề nghị phạm vi áp dụng đối với các xã, thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên giảm xuống mức 10% để mở rộng số thôn, xã được thụ hưởng chính sách. Vì đặc thù ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen với người Kinh. Ở nhiều xã có đông hộ đồng bào sinh sống nhưng địa giới hành chính rộng, chưa đủ điều kiện chia tách, nên có xã có trên 6 nghìn người sinh sống thì đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt tỷ lệ 15%.
 Các Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường Diên Hồng chiều ngày 12/6.
Đối với dự án số 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là chỉ tiêu đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng (cứng hóa đường giao thông), hầu hết các xã đều có đường giao thông kiên cố về đến trung tâm xã, đại biểu Tô Ái Vang nhận xét, mới chỉ đạt mức tối thiểu, chưa đạt cấp độ theo tiêu chuẩn của ngành giao thông – vận tải. Giao thông đến vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có nhiều khó khăn, khó đi lại trong mùa mưa lũ. Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều tuyến đường bị sụt lún, sạt lở, hư hỏng, nếu gặp thiên tai, mưa lũ, đường giao thông bị tàn phá nặng nề, có nguy cơ tiềm ẩn rất cao. Do vậy, chương trình mục tiêu quốc gia lần này cần cân nhắc tính khả thi, tính trùng lặp của các dự án thành phần so với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, để tập trung ngân sách vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu Tô Ái Vang cũng đề nghị cần bổ sung quy hoạch khu tái định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số ở dọc các tuyến đường giao thông nông thôn, phát huy hết năng lực sẵn có, đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc, thiểu số, mà còn bảo đảm khả năng đi trước một bước, thu hút đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy chương trình cơ cấu kinh tế, các nghề sử dụng nhiều lao động ở khu vực này. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số thường sống ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn nên bị tách biệt về địa lý, không gian kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính sự tách biệt này ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các sự cố không lường trước trong đời sống của người dân. Vì vậy, Chương trình này nên tạo điều kiện cho đồng bào được giao lưu, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng thoát nghèo bền vững.
Về chỉ tiêu xây dựng 7 cơ sở hỏa táng cho đồng bào dân tộc Khơ me, với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng/cơ sở, đại biểu Tô Ái Vang cho biết, theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 1,3 triệu đồng bảo Khơ me sinh sống ở 12 tỉnh. Tỉnh Sóc Trăng đang có đông đồng bào Khơ me sinh sống nhất, với trên 100 cơ sở hỏa táng ở chùa. Các cơ sở này đang xuống cấp nghiêm trọng, ngân sách địa phương không bảo đảm được, huy động xã hội hóa khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu này, cũng như định mức đầu tư cho mỗi cơ sở để phù hợp với đòi hỏi trong thực tế, nhu cầu sử dụng của 12 tỉnh, thành và nhu cầu bảo đảm môi trường.
Đưa du lịch trở thành nội dung xuyên suốt Chương trình
Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, về định hướng, giải pháp thực hiện Chương trình, ở giác độ văn hóa, giáo dục thì giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để sớm thực hiện mục tiêu chương trình là phát triển du lịch. Bởi địa bàn thụ thưởng đa số ở khu vực miền núi, nhân lực và vật lực để phát triển nông nghiệp, thậm chí trong nhiều ngành nông nghiệp không thuận lợi, nhưng lại có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, cộng đồng, nông lâm nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng, hang động, du lịch lòng hồ thủy điện.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính nhân văn, văn hóa sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả không chỉ cho kinh tế mà còn cho văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, quốc phòng an ninh. Du lịch cũng là ngành không cần nhiều vốn, khả năng xã hội hóa cao, thu hút nhiều lao động phổ thông. Thực tế phát triển kinh tế du lịch ở nhiều địa phương đã chứng minh điều đó như Bản Lát (tỉnh Hòa Bình), Cát Cát – Y Tý (Lào Cai), Đắk Lắk. Cách đây hơn 20 năm, Mũi Né chỉ là làng chài nghèo ven biển, nay nhờ du lịch đã bừng sáng trở thành “đô thị resort” ở Việt Nam. Hơn 4 năm trước, khi đến dự Tuần văn hóa tỉnh Lai Châu đã thấy có gia đình ở Sìn Hồ làm du lịch vài ngày bằng hàng tháng làm nông nghiệp. Với tiềm năng, thế mạnh của mình, các địa phương trong vùng đều lựa chọn phát triển du lịch là lĩnh vực mũi nhọn.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng “cần con cá, nhưng cũng rất cần cần câu”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng cho rằng, du lịch chính là cần câu cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để du lịch vùng phát triển bền vững, các tỉnh gìn giữ các giá trị văn hóa, giao lưu, hợp tác, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đại biểu đề nghị đưa du lịch trở thành nội dung xuyên suốt của Chương trình; đồng thời, có một dự án riêng về sự phát triển của du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chứ không phải lồng ghép vào dự án phát triển sản xuất như quy định tại dự thảo chương trình.
Xác định nhu cầu vốn đang bị ngược quy trình?
Nhận định việc xác định nhu cầu vốn cho Chương trình dường như đang bị ngược quy trình, đại biểu Đinh Thị Bình (Đoàn Phú Thọ) phân tích, theo Tờ trình của Chính phủ và các văn bản chi tiết kèm theo cho thấy, hiện nay Ủy ban Dân tộc mới đang chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, xác định các xã khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 và các thôn đặc biệt khó khăn để trình Ủy ban Dân tộc tổng hợp, sau đó mới hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Như vậy, có nghĩa là các con số: 1.400 xã và khoảng 8.000 thôn trong dự kiến trình Quốc hội chỉ là con số ước tính và tạm thời, thực tế có thể cao hoặc thấp hơn con số đó, do công tác phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển vẫn chưa hoàn thành.
Việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là một yêu cầu được đặt ra từ lâu, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định các chính sách đối với đồng bào. Yêu cầu này càng trở lên cấp thiết hơn khi Quốc hội quyết định thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bởi thế, theo đại biểu Đinh Thị Bình, đáng lẽ, cơ quan chức năng phải khẩn trương hoàn thành công tác phân định, phê duyệt danh sách các xã khu vực 1, 2, 3 và các thôn đặc biệt khó khăn trước Kỳ họp này thì mới có đủ cơ sở để xác định được tổng số đối tượng, địa bàn đầu tư, từ đó sẽ dự kiến được nguồn vốn cho Chương trình bảo đảm chính xác, hợp lý. Nhưng chúng ta lại đang làm ngược.
Đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành công tác phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để có đầy đủ cơ sở xây dựng đầu tư Chương trình và bố trí mức vốn cho phù hợp.
Về cơ cấu nguồn vốn, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng vốn đầu tư cho chương trình giảm so với Đề án tổng thể, nhưng trong giai đoan 2021 – 2025, vốn sự nghiệp lại tăng hơn 2 lần so với Đề án tổng thể đã trình Quốc hội tại Kỳ họp trước. Theo đó, cơ cấu vốn sự nghiệp chiếm 52%, vốn đầu tư chỉ chiếm 48% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình. Tỷ lệ vốn sự nghiệp tại chương trình mục tiêu quốc gia này cao hơn nhiều so với cơ cấu vốn sự nghiệp của hai chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay. Cụ thể, chương trình giảm nghèo bền vững vốn sự nghiệp chỉ chiếm khoảng 28%, chương trình nông thôn mới vốn sự nghiệp chỉ chiếm khoảng 25%. Chỉ ra những con số này, đại biểu Đinh Thị Bình cũng cho rằng, cơ cấu vốn sự nghiệp cho các dự án thành phần cũng chưa hợp lý.
Ví dụ tại dự án 1, để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được bố trí vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, thực chất đây lại là tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ của Quyết định 2085 mà chủ yếu thực hiện nhiệm vụ của vốn đầu tư, chứ không phải vốn sự nghiệp. Hay tại Tiểu dự án 3 của dự án 5, để tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dự kiến sẽ bố trí vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiệm vụ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cơ sở giáo dục nghề nghiệp dự kiến bố trí khoảng 4.000 tỷ đồng là chưa hợp lý.
Với hai ví dụ nêu trên đã cho thấy sự bất hợp lý trong việc bố trí cơ cấu vốn của từng dự án cũng như của cả Chương trình. Do đó, đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị, tiếp tục rà soát lại cơ cấu vốn của chương trình, cân đối bố trí lại theo hướng giảm hợp lý vốn sự nghiệp, tăng vốn đầu tư, cân đối vốn sự nghiệp đặt trong tổng thể ngân sách những năm sau và yêu cầu giảm chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình.
Về tổng nguồn vốn thực hiện chương trình, theo Tờ trình của Chính phủ thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu trong Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết số 88. Theo đó, giảm khoảng 63.000 tỷ đồng, tương ứng với gần 19%. Tổng vốn giảm trong khi các mục tiêu chương trình không thay đổi nên sẽ gây khó khăn trong thực hiện.
Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang rất phấn khởi bởi sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho mình khi quyết định xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia riêng để thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn đúng, đủ, kịp thời, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình, đáp ứng niềm phấn khởi và lòng mong mỏi của hàng chục triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước.