Đại biểu Quốc hội đề xuất nên thu phí để mọi người có ý thức cân nhắc khi nộp đơn hòa giải

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 25/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 41 (tháng 01/2020).
 Toàn cảnh phiên họp
Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có bố cục gồm 04 Chương, 42 Điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh; các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nhiều ý kiến tán thành việc Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với các đương sự với những lý do như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định Nhà nước thu một khoản chi phí nhất định đối với một số trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Nhà nước nên thu một khoản phí để bù lắp chi phí tổ chức hòa giải, đối thoại, chi phí chi trả cho hòa giải viên… Bởi có nhiều vụ việc không chỉ hòa giải một lần mà phải hòa giải nhiều lần. Theo đại biểu, việc làm như vậy, để mọi người có ý thức cân nhắc khi nộp đơn hòa giải, đối thoại.
Đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng (Đoàn Thái Bình), cho rằng cần thiết thu phí đối với một số trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ mức thu ngay trong dự thảo luật sao cho phù hợp.
Đối với quy định về bổ nhiệm lại hòa giải viên, dựu thảo Luật quy định hòa giải viên khi hết nhiệm kỳ được xem xét, bổ nhiệm lại, trừ những trường hợp sau đây không bảo đảm sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ; thuộc 10% Hòa giải viên mà trong 02 năm Hòa giải viên đó có mức độ hoàn thành nhiệm vụ thấp nhất so với các Hòa giải viên khác tại nơi họ làm việc, cần được thay thế.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An), cho rằng cơ chế, tiêu chí về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hòa giải viên còn chung chung, chưa được quy định rõ trong luật. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nội dung này vào dự thảo luật cho phù hợp, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, mặc dù hòa giải viên không thuộc biên chế của Tòa án nhưng việc bổ nhiệm hòa giải viên đều do Tòa án thực hiện. Do vậy, đề nghị dự thảo luật xem xét, quy định rõ mối quan hệ giữa Tòa án và hòa giải viên. Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng cần mở rộng đối tượng được bổ nhiệm lại hòa giải viên để thu hút nhân lực làm công tác hòa giải, đối thoại đồng thời giảm được áp lực cho ngành Tòa án.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại, đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường đối với hòa giải viên khi để xảy ra vi phạm trong bảo mật.
Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên quy định tại Điều 14, có ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ điểm d Khoản 2 của Điều này. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại thật kỹ về cách giải thích từ ngữ, đảm bảo kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, qua thảo luận, đại đa số các ý kiến đại biểu bày tỏ sự tán thành với Tờ tình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Ban soạn thảo trân tọng cảm ơn ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Về nội dung liên quan đến phí, bổ sung quy định về điều cấm, quy định tiêu chuẩn… Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật.
 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình một số nội dung

Về địa điểm tổ chức hòa giải, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, khác với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Thẩm phán tiến hành và được tổ chức tại trụ sở Tòa án; hòa giải, đối thoại theo Luật này do Hòa giải viên tiến hành, là hình thức ngoài tố tụng do đó cần được quy định linh hoạt, mềm dẻo với mục đích tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các bên đương sự đi đến thống nhất việc giải quyết tranh chấp. Do đó, Dự án Luật quy định việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án.

Về nội dung Hòa giải viên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng làm Hòa giải viên; đồng thời, một số đại biểu chỉ ra rằng, về tiêu chuẩn của Hòa giải viên, dự Luật quy định ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm Hòa giải viên, quy định thời gian 10 năm như trên là quá dài, chỉ cần quy định 05 năm là đủ.

Đối với vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi Hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật. Do đó việc quy định 10 năm sẽ đảm bảo được chuyên môn chắc, chất lượng hòa giải, đối thoại tốt. Còn sau này khi bước vào thực hiện, nếu cơ quan chuyên môn thấy rằng Hòa giải viên có 5 năm kinh nghiệm mà vẫn đảm bảo chất lương hòa giải tốt thì sẽ cân nhắc, xem xét.

Về việc bảo đảm bí mật của hòa giải, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đây là nguyên tắc bao trùm của chế định hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đó trong Luật quy định không được ghi biên bản, ghi âm, ghi hình để đảm bảo các bên không bị chia sẻ thông tin cá nhân. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép. Hòa giải viên phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ về bí mật thông tin theo quy định của Luật này.

Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, đối với các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm cho ý kiến, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ thêm để hoàn thiện các nội dung của Dự án Luật.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến góp ý sôi nổi, thẳng thắn và cụ thể của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật. Đối với những đại biểu chưa kịp phát biểu ý kiến tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu gửi văn bản góp ý để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp. Đối với các nội dung góp ý về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành; các nội dung liên quan đến hòa giải viên; vấn đề bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần