Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Giải pháp nào chữa căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm?

Hồng Thái - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công sang khu vực tư.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Cán bộ sợ trách nhiệm lan rộng từ Trung ương đến địa phương

Thảo luận ở hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) chỉ ra 2 nhóm cán bộ sợ trách nhiệm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) chỉ ra 2 nhóm cán bộ sợ trách nhiệm.

Đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo, tuy nhiên, đại biểu Trần Quốc Tuấn đặt câu hỏi, tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công sang khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Đại biểu cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Phân tích các nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và sợ vi phạm pháp luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Ngăn chặn tình hình bạo lực học đường, xâm hại trẻ em

Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn tỉnh Bình Thuận) bày tỏ thống nhất với báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 do Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn tỉnh Bình Thuận) đề nghị chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn tỉnh Bình Thuận) đề nghị chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đó là tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Nhiều tỉnh, thành phố lớn đang tăng trưởng ở mức âm. Số doanh nghiệp giải thể và phá sản tăng cao. Rủi ro dịch bệnh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện lớn; tình trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng nêu thực trạng khó khăn của ngành giáo dục như: Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng lên. Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.

“Đặc biệt, trong tháng hành động của trẻ em hàng năm và năm 2023 này, tôi đề nghị các cấp, các ngành phải có Chương trình, Kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn được thực trạng trên” - đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhấn mạnh.

Dùng công cụ tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) thống nhất cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đại biểu nhận thấy, năm 2022, nước ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang)
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn tỉnh Tuyên Quang)

Tuy nhiên, đại biểu Ma Thị Thúy cũng chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều…

Đồng tình với 11 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm một số giải pháp như: cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai, xem chính sách nào hiệu quả, chính sách nào chưa thực sự hiệu quả để tạm dừng hoặc có biện pháp thay đổi kịp thời để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế.

"Biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như: giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội...", đại biểu Ma Thị Thúy nêu.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm như là việc phân cấp chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công.

Cần cơ cấu lại thị trường bất động sản

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Đoàn tỉnh Nghệ An) bày tỏ, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra với sức nóng bởi sự trông đợi của cử tri và Nhân dân cả nước về những việc cần làm, phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Đó không chỉ là đòi hỏi từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; là yêu cầu phải khắc phục cho được những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực thi pháp luật. Là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Đoàn tỉnh Nghệ An) thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Đoàn tỉnh Nghệ An) thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Đặng Xuân Phương, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Các giải pháp như tiếp tục tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng nhất là với doanh nghiệp bất động sản, các ngành hàng xuất khẩu có thể giải quyết được căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hoá dịch vụ ở nước ta lúc này hay không?. Theo thông tin từ báo cáo của hội đồng tư vấn của Chính phủ thì khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là đơn hàng chiếm 59,2%.

Tôi cho rằng trong công tác chỉ đạo điều hành vỹ mô của Chính phủ cần kiên trì quan điểm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại-nâng cao hiệu quả đầu tư nhất là đầu tư công; cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó quan trọng nhất là cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai và các tài nguyên khác theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả...