Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội hi vọng "tư lệnh" ngành giáo dục sẽ thúc đẩy đào đạo nguồn nhân lực cao

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/4, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhiệm kỳ 2021-2026.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, nhiệm vụ của ngành giáo dục đòi hỏi phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, để những vị trí chức danh lãnh đạo này có trách nhiệm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
 PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Trần Văn Lâm cho rằng, nhân sự lần này đã được Trung ương lựa chọn kỹ để giới thiệu. "Chúng tôi đã nghiên cứu hồ sơ rất kỹ và cũng thấy yên tâm, tin tưởng Bộ trưởng mới có đủ năng lực, phẩm chất để giải quyết những thách thức đang đặt ra đối với ngành giáo dục, để tiếp tục thúc đẩy đổi mới giáo dục-đào tạo, kể cả hệ đại học và các bậc phổ thông, để giáo dục phải cùng với khoa học công nghệ là những lĩnh vực đi đầu cho phát triển đất nước", đại biểu Trần Văn Lâm cho biết thêm.
Còn đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn tỉnh Thừa Thiên-Huế) đánh giá, lĩnh vực GD&ĐT thời gian qua mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân cả nước. Do vậy, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, người dân đều kỳ vọng ngành GD&ĐT nói chung,  "tư lệnh ngành" nói riêng phải thống nhất trong chỉ đạo điều hành, từ trung ương đến cơ sở để triển khai thành công các nhiệm vụ của mình.
Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua để đánh giá lại những mặt đạt được và chưa đạt được, đồng thời phải phát huy hết đội ngũ Thứ trưởng, lãnh đạo các Cục, Vụ và các Sở. "Thậm chí chúng ta phải phát huy các chuyên gia. Tư lệnh ngành phải làm thế nào tạo ra không khí đoàn kết, đặc biệt là phân công, phân nhiệm rõ cho các Thứ trưởng và các Cục, Vụ và hệ thống giáo dục" - ông Đặng Ngọc Nghĩa nhấn mạnh.