Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, hiện nay còn điểm cần tranh luận là đầu mối quản lý thống nhất nợ công có nên để như trước đây hay không? vừa để trực thuộc Bộ Tài chính, vừa là Bộ KH&ĐT, vừa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam . Vấn đề này cần được thảo luận, bàn bạc tìm ra một cơ quan quản lý thống nhất. Hay là vấn đề nợ Chính phủ vay và cho vay lại thì quản lý thế nào, để đảm bảo hạn chế các rủi ro. Vừa qua cho thấy rằng, các khoản nợ mà Chính phủ vay rồi về cho vay lại các dự án, có một số dự án không phát huy được hiệu quả, đắp chiếu rồi phải giải thể, phá sản, nợ đó đã chuyển thành nợ công, và nợ xấu của nợ công cũng được quan tâm trong Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). “Điều quan trọng hơn nữa là phải làm sao gắn với trách nhiệm trong việc quản lý các khoản nợ này cũng như người vay nợ, làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Cho nên Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) phải gắn chặt với Luật Đầu tư công cũng đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015” - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.